AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Bài viết cho tháng Tư / Kỷ niệm Quốc Hận lần thứ 44.

 

Năm nầy tháng tư đen của dân, quân, cán, chính thuộc miền nam VN lại trùng hợp cơn đại dịch corona trên toàn thế giới. Riêng tại Mỹ, số ca lây nhiễm đã lên tới con số 750,000 người và số ca tử vong cũng vượt qua con số 40,000 người, ôi thật là đau thương tang tóc. Nhân đây, tôi gởi đến các huynh đệ một bài viết cũ để nhớ lại những chiến trận mà anh em chúng ta đã tham dự. Đặc biết các anh Diều Hâu Sáng, Hùng.N, Nhàn đã làm được việc phước đức là ngăn chận không để bọn vc rút vào chùa Vĩnh Tràng Mỹ Tho. Rồi ngày hôm sau mấy ông DH nầy lại đốt cháy xóm nhà lá bên kia sông, đối diện đồn lớn Nghĩa Quân ở xã Ninh Quới trong những ngày đầu của cuộc ngưng chiến 'da beo'. Và chúng ta nhớ lại cái cảnh phải chở mấy phuy xăng super vô Kompong Trach cho thiết giáp, ông nào ông nấy dái thót lên tận cổ v.v... Lời cuối, tôi không quên thân chúc quý huynh đệ và đại gia đình được bình an vô sự trong cơn đại dịch đang hoành hành. Qn.

 

co-to-quoc

 

Tổ Quốc tri ân các anh hùng tử sĩ, chiến sĩ Cộng Hòa luôn quý trọng

 đồng đội thương phế binh

( viết cho tháng tư đen... )

  Gởi tặng quý anh em các phi đoàn trực thăng thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Lời nói đầu : Bài viết nầy ghi lại những gì từ trong k‎ý‎ ức và cảm nghĩ của tôi, cộng thêm phần lớn góp ‎ý‎ của bạn hữu. Anh em chúng tôi cùng là hoa tiêu trực thăng, hằng ngày bay yểm trợ từ không vận (Slick đổ quân) đến yểm trợ hỏa lực (Gunship trực thăng võ trang) cho tất cả các cuộc hành quân lớn bé do các đơn vị trực thuộc Quân đoàn IV của Quân khu IV đảm trách. Phi vụ thì cứ thay đổi liên tu, giả dụ như hôm nay chúng tôi đang yểm trợ cho Trung đoàn 10 của Sư đoàn 7, chớ hôm qua thì đã phục vụ cho Trung đoàn 15/ Sư đoàn 9, rồi ngày trước đó nữa là cho Trung đoàn 31/ Sư đoàn 21 v.v. Nói tóm lại là Quân đoàn IV có 3 sư đoàn chủ lực, một Biệt khu 44 chỉ huy lực lượng Biệt Động Quân biên phòng có khoảng trên mười trại cấp tiểu đoàn đóng dọc theo biên giới Việt-Miên từ Mộc Hóa đến tận Hà Tiên, cộng thêm hơn sáu mươi tiểu đoàn Địa phương quân của 16 Tiểu khu (Tỉnh). Với ngần ấy quân số mà chỉ có 4 phi đoàn trực thăng tác chiến (sau năm 1970) luân phiên yểm trợ hành quân, kể ra cũng mệt lắm. Qua những lời tường trình thì qu‎ý‎ vị thấy đó : chiến trận nào cũng đều có anh em chúng tôi tham dự, được dịp hiểu biết ít nhiều nhưng chỉ là một cách khái quát thôi. Riêng bài nầy đặc biệt nói nhiều về những trận chiến trên đất Campuchia bắt đầu giữa năm 1970. Và phần cuối xin phép tản mạn sương sương vì sao chúng ta lại thua cuộc chiến nầy ? Chúng tôi cũng chịu lỗi, có nhiều trận chúng tôi chỉ nhớ vào khoảng thời gian nào đó thôi, chớ không rõ chính xác ngày tháng bởi lẽ chúng tôi không ai ghi chép xuống, bởi không ai nghĩ là sau nầy mình sẽ có dịp thuật lại những chiến trường xưa, nhất là có biết mình chết sống ngày nào đâu vì ngày nào vẫn phải bay ra mặt trận, giỡn mặt với tử thần thì cái chuyện “Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu” nếu có, đó cũng là thường tình thế thôi. Xin thứ lỗi đã làm mất nhiều thì giờ của bạn đọc, bây giờ xin mời quí vị đi vào chuyện nhé…

**********

               Sau hiệp định Genève 54, Pháp rút khỏi Đông Dương, Vương quốc Cao Miên được trị vì bởi quốc vương Norodom Sihanouk. Ô hay vương quốc nầy sao mà có lắm tên gọi thế, nào là : Cao Mên, Cao Miên, Campuchia, Kampuchia, Cambodge (gọi theo Tây) và Cambodia (gọi theo Mỹ). Vậy ta nên gọi họ bằng tên nào cho hợp lý đây? Ông vua nầy chủ trương đưa đất nước đi theo đường lối trung lập nghĩa là đu dây giữa nền văn minh Dân chủ của Tây phương và khối cộng sản Nga, Tàu nhưng xác thực thì họ có phần nghiêng về Tàu cộng hơn. Tháng ba năm1970, thừa lúc nhà vua đi vắng, thủ tướng Lon Nol và phó thủ tướng Sirik Matak ra lệnh cho một chi đoàn Kỵ binh Thiết giáp vây kín Quốc hội, gây sức ép để buộc các dân biểu phải k‎‎ý vào văn bản truất phế Sihanouk. Được biết Quốc hội Cao Miên thời bấy giờ chia làm hai nhóm, nôm na gọi : nhóm Khmer xanh thì theo Dân chủ trong khi đó nhóm Khmer đỏ ủng hộ Cộng sản.  Tình hình đã thế nầy thì coi như phe Miên cộng đã thua trắng tay, nên họ rút lực lượng về nông thôn rồi cấu kết với cộng sản Bắc việt (Việt cộng) hoặc xin yểm trợ để chống lại quân chánh phủ. Thế là nước Campuchia bắt đầu có chiến tranh kể từ đó.

               Theo nhận định chung thì lực lượng chánh phủ mới còn quá yếu kém, nhất là từ khi cộng quân, cứ gọi cộng quân cho dễ vì có thể là Miên cộng, cũng có thể là Việt cộng hoặc giả Miên cộng, Việt cộng hợp lực cùng nhau cắt đứt con lộ chuyển vận từ cảng Sihanoukville (Kompong Som) đi vào thủ đô Phnom Penh. Trong cái thế đơn độc nầy, Thống chế Lon Nol rất cần có được một đồng minh tốt giúp đở nên đã nhắm vào VNCH và Hoa Kỳ mà xin cầu viện. Đây không không phải lần đầu tiên nước Cao Miên cầu viện nước ta đâu mà chuyện nầy đã có từ hằng trăm năm về trước mỗi khi họ gặp nội biến hoặc bị giặc ngoại xâm bởi quân Xiêm La. Thật ra bấy giờ Hoa Kỳ chưa có cái bang giao nào gọi là chánh thức với Cambodia nên mọi trợ giúp cho quốc gia nầy phải qua tay VNCH. Đáp lại ân tình đó, chánh phủ Lon Nol hứa là để VNCH được quyền hành quân truy kích địch ngay trên phần đất của họ từ biên giới vô sâu chừng ba, bốn chục kilô mét và cũng yêu cầu tránh né những phố thị đông đúc, sợ e gây thiệt hại sinh mạng cũng như tài sản dân chúng. Đây là một điểm son chỉ những cấp lãnh đạo thuộc phe Tự do văn minh mới có cái ý nghĩ nhân bản như thế, chớ bè lũ háo sát tôn thờ chủ nghĩa Marx - Lénin như : Pol Pot, Khiêu Samphan, Nuon Chea,Yeng Sari chắc là không đời nào. Đặc ân nầy đã làm cho phía VNCH rất mừng rỡ vì ai cũng biết : muốn giết rắn là phải đánh ngay đỉnh đầu, nghĩa là họ (VNCH) muốn tiêu diệt cho bằng được 3 sư đoàn chính của vc là công trường 5, 7 và 9 thường xuyên xâm nhập vào lãnh thổ VNCH khuấy rối, rồi khi thất thủ bọn chúng rút về bên kia biên giới ‘dưỡng thương’ thì thật là tiện việc vô cùng, do vậy mà từ trước đến nay chúng ta vô phương trừ khử được bọn nầy. Đến đây, xin chiều ‎ý một ít bạn đọc muốn biết tại sao gọi là công trường và công trường khác với sư đoàn ra sao? Xin tóm tắt thưa rằng đó chỉ là lối đánh lận con đen của Việt cộng : công trường là một sư đoàn như bao sư đoàn khác, nhưng những Sư đoàn 5, 7, 9 vì luôn hoạt động trong nam coi như là được biệt phái vô thời hạn nên Việt cộng gọi nó là công trường để che mắt quốc tế, để mọi người lầm tưởng đây là mấy sư đoàn do Mặt trận Giải phóng Miền Nam (MTGPMN) thành lập. Chớ thực sự thì MTGPMN chưa thành lập nổi một tiểu đoàn cho ra hồn thì nói chi đến cấp trung đoàn hoặc sư đoàn ?

              Bộ Tổng Tham Mưu quyết định đưa 2 Quân đoàn : III và IV vượt biên tảo thanh bọn chúng. Quân đoàn III sẽ đổ quân xuống phía bắc biên giới của tỉnh Tây Ninh, tức là vùng lưỡi câu (Fish hook) rồi sau khi chiếm được đồn điền Mimot thì chia làm 2 cánh quân : một cánh men theo quốc lộ 7 tiến đánh về phía tây qua các thị trấn Krek và Chup sau đó rẽ xuống hướng nam cũng men theo liên tỉnh lộ 15 đánh thẳng vào tỉnh lỵ Prey Veng, còn cánh quân kia thì rẽ phải (hướng đông) cũng theo quốc lộ 7 đánh lên thị trấn Snool sau đó sẽ tiến vào tỉnh Kratié. Còn Quân đoàn IV vì là tiếp giáp với Cao Miên với một biên giới thật dài nên có rất nhiều cuộc hành quân riêng rẽ, nếu tính từ đông sang tây là : vùng mỏ vẹt (Parakeet s’ beak), Kompong Ro, Svay Rieng, Kompong Trabet, Prey Veng, Takeo, Kompong Trach, Kampot, Kompong Som…Với lực lượng lực tham chiến của QĐ IV lần lượt là : Lữ đoàn A Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), 2 Liên đoàn 4 và 7 Biệt Động Quân (BĐQ), và từng trung đoàn của các Sư đoàn 7, 9, 21 với sự yểm trợ hùng hậu của: Không Quân (KQ), Hải Quân (HQ), Thiết Giáp (TG), Pháo Binh (PB) v.v…

**********************

pic

                  “ Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới, quyết chiến đấu ”

                  “ Đã chiếm chiến công ngang trời ” (KQ hành khúc)  

 

               Tôi nhớ khi tôi ra hoa tiêu chánh (First pilot), thỉnh thoảng được bay vài phi vụ liên lạc (C.S.L) ở những tỉnh giáp ranh biên giới như là Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường thì thường hay bị các cụ niên trưởng hù dọa, nhắc nhở phải 'check' bản đồ kỹ lưỡng nghen ‘mậy’, kẻo bay lạc qua ‘bển’ thì Không lực Miên cho Mig 17 bay lên ‘làm thịt’ mầy đấy. Sau nầy có một lần tôi được biệt phái sang Miên bay cho đám cận vệ Lon Nol hơn một tuần lễ, phi hành đoàn chúng tôi nằm túc trực tại Bộ Tư lệnh KQ Cambodia ngay bên cạnh phi trường Pochengton, chừng đó chúng tôi mới tận mắt trông thấy mấy chiếc Mig 17, nhưng sao trang bị kém cỏi vậy, không thấy mang bom mà chỉ có 2 bó rocket và một cặp Cannon 20 ly gắn hai bên cánh. Không lực Miên có khá nhiều oanh tạc cơ cánh quạt loại nhỏ, ước chừng vài chục chiếc T-28 ? Hình dáng nhỏ thó so với A-1 Skyraider, được trang bị bom đạn tuy ít nhưng đủ đầy, chứ không giống Mig 17 , còn về trực thăng họ có 2 chiếc Silhouette. Nhìn chung thì Không lực của họ quá yếu kém nếu đem so với KL/VNCH. Nhưng khi bàn về phần trình diễn của 'pilot' họ thì chắc chúng ta phải chào thua, nào là chưng diện áo bay đủ màu sắc nhé : cam, tím, xanh marine lại còn được gắn kết đầy huy hiệu, phù hiệu ở trước ngực và 2 bên bả vai, súng ngắn K54 đặt trong bao da mang bên nách trái, cổ quàng foulard sặc sỡ. Nổi bật nhất là giàn xế hộp của mấy ảnh đậu trước Câu lạc bộ Sĩ quan, trông vào là lé con mắt ngay bởi vì chỉ toàn Mercèdes với lại Peugeot 404 xoàng xoàng vậy thôi. Nghĩ rồi tủi thân cho phi công VN, cũng là “Lục sặc mui” chớ bộ, tiếng Miên có nghĩa là một sọc vàng tức là quan một tàu bay đấy (quân đội Miên vẫn mang lon sọc theo kiểu Pháp), vậy mà tôi chỉ sở hữu một chiếc Honda 67 cà tàng do mẹ tôi mua lại từ một người bà con để mừng thằng con út mới tốt nghiệp ‘tài xế tàu bay’, ấy thế vẫn còn đở hơn vài thằng bạn tôi có đứa còn chưa được như vậy nghen. Nhiều lúc không có tiền đổ xăng, tôi phải đổ JP4 (xăng động cơ phản lực) để chạy đỡ. Cô bạn gái ngồi phía sau cứ thắc mắc hỏi tôi “Bộ xe anh chạy bằng dầu lửa (còn gọi là dầu hôi) hay sao mà ngữi thấy mùi hôi nồng nặc vậy?”, tôi cảm thấy ‘quê, xệ’ với người đẹp nầy rồi nghen. Còn thêm một chuyện nữa, không thể nào quên kể : đó là nơi đây chúng tôi còn thấy xác của mấy chiếc : Skyraider, C-47 Dakota và trực thăng H-34 của KL/VNCH nằm ngổn ngang trong nghĩa địa phi cơ ở gần cổng sau của Bộ Tư Lệnh, cũng là đường đi ra phố. Tôi chắc quý vị ai cũng biết tên của mấy ‘người hùng’ đã lái mấy chiếc đó sang đây từ khi nào và với mục đích gì ?...

               Đến đây tôi chợt nhớ lại lần đầu bay trên đất Miên, từ trên cao nhìn xuống mới thấy đời sống thôn dã của xứ người ôi sao bình yên, êm ả quá. Nhà cửa được làm bằng loại cây gỗ tốt vững chắc, thường cất theo kiểu nhà sàn hổng mặt đất, mái được lợp ngói gạch đỏ au, bao quanh là những vườn cây trái sum xê, nằm giữa ruộng đồng bao la bát ngát. Cảnh nầy đã làm cho người viết liên tưởng đến những mảnh đời khốn khổ của người dân nông thôn xứ mình. Thương làm sao khi mục kích cảnh sống làng quê thật là nghèo khó, thiếu thốn trăm bề, đã vậy còn phải ở giữa hai lằn đạn giặc thù nữa chứ. Chiến tranh xứ ta sao dai dẳng quá, hết Tây - Việt Minh, nghỉ được vài năm (1954 đến 1958) rồi nối tiếp cuộc chiến Quốc - Cộng. Căn nhà ọp ẹp sơ sài mà quí vị thấy đó, nó đã là căn nhà thứ mấy trong cuộc đời của họ rồi nhỉ ? Vật dụng làm nhà rất thô sơ như thân cây tràm chặt tỉa hết nhánh lá làm khung sườn, bên ngoài và trên mái được phủ lên lớp lá dừa nước che nắng, che mưa. Ấy vậy họ có được sống yên ổn bền lâu đâu, chỉ vài tháng thôi... thì giặc tràn về châm lửa đốt cháy rụi, thế là phải cặm cụi để dựng lại nơi ăn chốn ở một lần nữa. Xin ‎phép hỏi quý độc giả, với tài sản của một gia đình nông dân như quí vị thấy đó, thì có đáng được vài chục đô la không nào ? Thấy tội nghiệp quá đi, phải không ?

               Vì bài viết với dạng hồi k‎ý chiến trường, thường rất là khô khan nên thỉnh thoảng người viết tự ý thêm vào một vài cảm xúc của mình hầu bớt đi phần nào sự nhàm chán cho bạn đọc. Bây giờ xin trở lại các cuộc hành quân vượt biên của Quân Đoàn IV (QĐ IV). Đơn vị hành quân đầu tiên trên đất Miên vào khoảng tháng Tư năm 1970 là của Trung đoàn 31/SĐ 21 Bộ binh do Đ/tá Chung v. B.. làm trung đoàn trưởng và trung đoàn phó là Tr/tá Nguyễn v. B.., được trực thăng vận xuống gần thị xã nhỏ Kompng Trach thuộc tỉnh Kampot, nằm về hướng bắc quận lỵ Hà Tiên và cách đó chừng 10 dặm. Bộ chỉ huy Tr/đoàn đóng luôn ở đây và đã có một thời gian nơi nầy coi như là một trong những căn cứ lớn của quân ta trên đất Miên, tương tự như Neak Luong vậy. Còn 3 tiểu đoàn của họ thì hành quân lục soát những khu vực gần đó. Nói chung chung họ chưa đụng trận nào to tát, chỉ toàn gặp đám du kích địa phương từ cấp trung đội trở xuống. Cũng nơi đây, chiến sĩ ta khám phá một kho tiếp liệu khá lớn chứa đầy đạn dược và rất nhiều thực phẩm đóng hộp theo kiểu hàng quân tiếp vụ, do ‘đồng chí Tàu đỏ’ sản xuất. Lính của mình có vẻ ‘hẩu xực’ với mấy lon chiến lợi phẩm : thịt quay kho tàu vì rất vừa miệng, ngon cơm họ còn nói : “Phải chi trong hộp C ration của Mỹ có được lon thịt giống thế nầy thì đở khổ biết mấy”. Đặc biệt nữa là nơi đây chiến sĩ Tr/đoàn 31 được dịp tiếp đoán Đ/tướng Tổng tham mưu trưởng đích thân người bay trực thăng đến thăm viếng, cổ võ và khích động tinh thần chiến đấu binh sĩ vì họ là đơn vị đầu tiên của QĐ IV bước chân ra ngoài nước chiến đấu.

               Và cũng đặc biệt luôn cho anh em chúng tôi lúc nầy là phải đổ quân ‘chay’. ‘Chay’ là một từ vựng khá phổ thông của người trong nước hiện nay, được hiểu là ‘Tuy không hoàn hảo, nhưng cứ xài tạm’. Thí dụ như hát hò mà thiếu trống, thiếu đàn thì gọi là hát chay, nhậu nhẹt không mồi nhấm nháp gọi là nhậu chay. Còn chúng tôi đổ quân mà không có Cobra hoặc Gunship của người bạn đồng minh kè hai bên lúc vào cận tiến cũng như lúc cất cánh rời LZ (Landing zone) thì chắc cũng được gọi là ‘đổ quân chay’ đúng không quý vị ? Chuyện là thế nầy : Không biết lúc mới  tham chiến ở VN, ông bạn đồng minh khổng lồ của chúng ta có lời thề độc gì, mà không chịu đi vô sâu biên giới của hai quốc gia nhỏ bé : Miên và Lào, họ chỉ vào thập thò chừng 5, 7 cây số thôi, với năm cây số thì đánh đấm cái gì nào. Nghĩ lại mà thương cho anh em chúng tôi trong thời gian đó (giữa năm 1970), chỉ có 2 phi đoàn trực thăng : 211 và 217 cứ thay phiên gồng mình bay đổ quân chay, thú thật cũng ‘lạnh cẳng’ lắm, chứ bộ. Tôi nhớ một lần trong lúc đang bay thì nghe một vị niên trưởng, sau nầy ông là Tr/tá PĐP ví von trên tần số VHF : “ Đổ quân mà thiếu gunship yểm trợ cũng giống sản phụ đi sanh đứa con đầu lòng mà không có được ông chồng hoặc bà mẹ đẻ đi theo hỗ trợ tinh thần, chao ôi thật là tội nghiệp ”. Nghe cái lối so sánh kỳ quặc nầy : ai đời đem chuyện bay bổng ví với chuyện đẻ đái của quý bà, tất nhiên không ai nhịn cười được rồi, dù rằng lúc nầy hợp đoàn bắt đầu giảm dần cao độ cũng như tốc độ để sắp sửa chạm đất ở bãi đáp. Lính KQ là vậy đó quý vị ạ, lúc nào cũng tếu được, cho dù ngay cái lúc nguy hiểm nhất …

               Chờ thêm một tháng nữa, người bạn đồng minh mới chịu gắn 2 ống phóng rocket và trang bị cặp súng 'Galting gun' cho chừng ¼ số tàu mà mỗi phi đoàn (PĐ) có được, đồng thời họ mở khóa huấn luyện dạy bắn Rocket, bắn Minigun với lại 'Tactical' bay Gunship tại Không đoàn 74 Cần Thơ (1970). Thế là từng PĐ trực thăng từ Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẳng, mỗi PĐ gởi về chừng 3,4 hoa tiêu theo học khóa đó. Trong dịp nầy tôi gặp lại hai anh Phạm V. Thục 213, Trương M. Đức 215, sau khóa học hai ông nầy trở về phi đoàn nổi tiếng là những tay bay Gunship gan lì nhất, có hổn danh là “VC killer” đấy. Sau đó chúng tôi dạy lại cho nhau, cuối cùng mỗi PĐ có được khoảng ¼ trên tổng số hoa tiêu có khả năng bay được trực thăng võ trang. Còn phía anh em xạ thủ cũng thế, họ cũng được huấn luyện tương tự như bên hoa tiêu. Như vậy là cuối tháng 5 năm 70 chúng tôi mới hết đổ quân chay vì đã có Gunship do chính chúng tôi đảm nhận.

               Ai cũng biết Hoa Kỳ (HK) là một quốc gia trẻ trung có chừng 250 năm lập quốc, nhưng là quốc gia giàu mạnh bậc nhất thế giới theo chủ nghĩa Dân chủ Tự do với tam quyền phân lập, tuy nhiên Lập pháp Hạ viện bao giờ cũng có thớ hơn vì giữ hầu bao để chu cấp mọi ngân sách quốc gia. Quốc hội HK nhận thấy : đã hơn 10 năm rồi, quân đội của họ hiện có khoảng nửa triệu người đang tham chiến tại VN mà chưa mang lại lợi ích gì cho xứ sở, ấy thế Quốc hội phải chi viện khoảng 30 tỷ dollar cho mỗi năm. Chính điều nầy đã làm dân chúng bắt đầu ta thán, bất mãn rồi biểu tình phản đối khắp nơi trong nước nên Quốc hội yêu cầu chánh phủ phải sớm rút quân. Ông Richard Nixon là Tổng thống Hoa Kỳ lúc bây giờ cũng phải đồng ‎ý chuyện lui binh, nhưng còn phải tính cách nào hợp lý để miền nam VN vẫn là một tiền đồn ngăn chận Cộng sản đang manh nha tràn xuống vùng Đông nam Á, sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh cũng như uy tín của HK đấy. Xưa nay HK luôn áp dụng cái chánh sách tuy cũ nhưng rất hiệu nghiệm, đó là cứ đưa quân tham chiến ở nước ngoài để dân chúng họ được sống trong thanh bình, ấm no. Vậy là ban tham mưu của Nixon phải làm việc thật cực lực, cố tìm một giải pháp ít tốn kém nhất, nhưng phải có hiệu quả nữa cơ, thì mới mong được quốc hội chấp thuận, cuối cùng họ nghĩ ra chiến lược  ‘Vietnamization’ (Việt Nam hóa chiến tranh). Chủ đích của chiến lược nầy là cải biến làm sao để cho quân đội VN thật hùng mạnh, đủ sức chiến đấu một mình : trước là họ tự bảo vệ được chính cái nền Dân chủ Tự Do của họ, kế đến nữa : nơi đây vẫn là một thành trì chống cộng vững chắc nhất tại vùng Đông nam Á Châu. Để thi hành được chiến lược nầy, HK chắc phải chịu tốn kém đôi chút để giúp quân đội VN trong việc tối tân hóa về vũ khí chiến cụ cũng như hiện đại hóa về phương tiện, cơ khí v.v…Chuyện trước mắt là phải bành trướng quân số, hiện tại VN có khoảng 5,6 trăm ngàn quân, cần tăng lên con số một triệu người mới được, bằng cách tổng động viên thanh niên từ 18 đến 38 tuổi…

               Trong chiều hướng đó, tôi không biết các quân binh chủng khác bành trướng thế nào, riêng Không Quân vào giữa năm 1970 các Không đoàn chiến thuật trên khắp 4 quân khu và luôn cả KĐ 33 Vận tải tại Tân Sơn Nhất được nâng lên cấp Sư đoàn, mang danh số thứ tự giống y như quân khu vậy, thí dụ Sư đoàn I/KQ ở tại Quân khu I, Sư đoàn II/KQ ở tại Quân khu II…và đồng thời cũng tiếp nhận rất nhiều loại phi cơ lớn, tối tân như : bên ngành vận tải có thêm phi cơ  C-119, C-123, C-130 (Hercules), C-7 Caribou…, ngành trực thăng thì ngoài UH-1 Huey bán phản lực thay thế cho loại H-34 cũ kỹ chậm chạp, còn được nhận thêm trực thăng khổng lồ CH-47 Chinook, ngành khu trục có thêm F-5E, cái tuyệt chiêu của F-5E là ngoài chức năng đánh bom như những loại khu trục khác, còn có khả năng nghênh chiến, đủ sức đối đầu với MIG 21 hiện Bắc Việt đang có, v.v… Nhân đây cũng xin phép nói thêm về sự tăng trưởng của SĐ IV/KQ của chúng tôi. Khoảng cuối thu năm 1970 hai PĐ trực thăng 211, 217 được tách khỏi không đoàn 74 để thành lập KĐ 84 chiến thuật cho riêng trực thăng và cũng từ KĐ mới nầy lập thêm 2 PĐ mới nữa là : PĐ 225, PĐ 227 và một Phi đội tản thương 259-H. Rồi hai năm sau đó, SĐ IV/KQ lại thành lập thêm Không đoàn 64 trực thăng nữa, như vậy ta lại có thêm : PĐ 255 UH -1, PĐ 249 CH-47 Chinook và phi đội tản thương 259-I …

               Bây giờ xin trở lại chiến trường Campuchia, cách nói chung chung thì hai năm 1970, 1971 QĐ IV chưa đụng trận nào nặng k‎ý‎, trong khi đó thì QĐ III rất vất vả với hai sư đoàn cộng quân tại Krek, Chup và Snool nhưng phần thắng lợi lớn vẫn là của phe ta. Báo chí Thủ đô rần rộ loan tải tin thắng trận một cách liên tục làm nức lòng người dân cả nước. Tổng thống Thiệu và bộ Tổng Tham Mưu rất hân hoan nên quyết định mở thêm chiến dịch tiến quân vào hạ Lào (Tchépone), có tên gọi ‘Hành quân Lam Sơn 719’. Chiến dịch nầy thành công hay thất bại, hãy để quý vị nhận xét…

               Cũng vào tháng tư năm 70, QĐ IV dựng một căn cứ lớn tại bến phà Neak Luong, thiết lập luôn một sân bay dã chiến (vỉ sắt) để cho phi cơ cánh quạt loại nhỏ như L-19, U-17 Cessna luôn cả vận tải cơ C-123 có thể lên xuống được và thêm trạm xăng lớn (P.O.L) cho trực thăng. Neak Luong là giao điểm giữa quốc lộ 1 Đông Dương đi từ SG đến Ph/Penh với lại nhánh Tiền giang sông Cửu Long. Hiện tại thì bộ chỉ huy Lữ đoàn A của TQLC đang đóng ở đây để chỉ huy 3 tiểu đoàn của họ đang hành quân ở vùng Svay Rieng, Prey Veng và dọc theo hai bên bờ sông Tiền giang mục đích là giữ an ninh cho thủy lộ nầy, vì đây là đường duy nhất để tàu bè, thương thuyền có thể lui tới được Thủ đô Ph/Penh trong lúc nầy. Thời biểu đi về của các thương thuyền dường như là mỗi tháng đôi ba lần, họ đi cả một đoàn dài độ chừng 9,10 chiếc tàu buôn có trọng tải lớn và vài chiếc xà lan được kéo đi đoạn hậu. Sau khi qua khỏi quận Tân Châu thì đoàn tàu nầy được hộ tống thật hùng hậu bởi một Giang đoàn của Hải quân/ VN, có trên mười chiếc giang tốc đỉnh chạy bao quanh che chở. Ấy vậy có một lần vô biên giới Miên chừng hơn 10 kilomét thì một chiếc xà lan đi sau cùng, được bộc lưới sắt chung quanh để phòng chống B40, chở đầy ấp đạn dược tiếp tế cho quân đội Ph/Penh, lại trúng phải đạn pháo kích của cộng quân, nhanh như chớp mắt chiếc tàu kéo phía trước phải cắt dây bỏ chạy thật nhanh, Chúa tôi ơi ! Số đạn chở trên đây đồng loạt phát nổ, ối thôi thật là kinh hoàng khủng khiếp tưởng chừng như trời sắp sập tới nơi. Từ xa chúng tôi nhìn thấy vô số đạn lửa bay vụt lên không trung y như là pháo bông, và kéo dài gần cả giờ mới dứt, cuối cùng thì thân xác chiếc xà lan bị đục thủng nhiều lỗ, rách bươm rồi từ từ chìm xuống đáy sông. Kể từ đó anh em bay trực thăng võ trang có thêm một loại phi vụ mới nữa là tiếp tay hộ tống đoàn tàu hầu tránh bị ‘lãnh’ pháo của cộng quân như vừa rồi.

               Vào đầu năm 71, chánh phủ Ph/Penh yêu cầu QĐ IV giúp giải tỏa quốc lộ 1A từ thủ đô Ph/Penh đến cảng Sihanoukville, QĐ IV giao nhiệm vụ nầy cho một Liên đoàn BĐQ. Đây là một công việc khá qui mô và đòi hỏi nhiều thời gian nên khối tiếp liệu đã thiết lập một trạm xăng cho trực thăng tại một phi đạo tư nhân chắc là của ông Tây chủ đồn điền cao su ở vùng nầy, nằm giữa đoạn đường từ tỉnh lỵ Kompong Speu đến thị xã Sung, rồi hằng ngày Không đoàn 84 gởi một hợp đoàn hành quân (package gồm : C&C, 5 chiếc đổ quân và 3 chiếc võ trang) đến đây để yểm trợ người bạn BĐQ. Thật ra chuyện nầy là quá dễ đối với chiến sĩ mũ nâu vì nhiệm vụ của họ là đi gỡ mấy chốt đóng quân của cộng quân dọc theo quốc lộ, tuy vậy phải mất năm bảy tuần mới hoàn tất vì còn phải giữ an ninh cho Công binh sửa chữa lại đường xá, cầu cống bởi do phe địch đào đường, đấp mô, giựt sập cầu v.v…Sau khi quốc lộ được an toàn giao thông, chiến sĩ ta giao trách nhiệm nầy lại cho quân đội Miên trông coi, thì đây đúng là một minh chứng cho thấy lời nói của quân sư Quản Trọng thời Xuân Thu quả không sai : “Nếu chúa công (Tề Hoàn Công) đem binh hùng, tướng mạnh đi chiếm đất, giành dân với chư hầu thì chuyện đó cũng dễ thôi, nhưng sau đó chúa công có giữ được đất mình chiếm không, đấy mới là điều đáng nói”. Thật đúng vậy, không bao lâu thì quốc lộ lại mất an ninh trở lại, vậy là con đường giao thương đổi trao hàng hóa của Ph/Penh phải sử dụng lại sông Mékong y như trước đây. Bấy giờ thì Liên đoàn BĐQ đã được chuyển qua Neak Luong để thay thế vị trí của Lữ đoàn A TQLC vì đơn vị nầy đã được Bộ Tổng Tham Mưu triệu về tăng phái cho Quân đoàn I.

              Khoảng cuối năm 1971 còn có một chuyện khó quên : Có vài ba lần chúng tôi yểm trợ cho lính Miên hành quân bằng trực thăng vận. Dường như đây là những tiểu đoàn tân lập của họ, nhìn bộ dạng mấy ông lính Miên thì khó nhịn được cười, bởi mấy ổng mặc quân phục treillis rất là luộm thuộm, rất là xốc xếch, nghĩa là quân đội cấp phát thế nào thì mấy ổng mặc y như thế ấy, chớ không hề sửa lại cho vừa vặn như lính của mình. Lại thêm cái tật dị đoan mê tín quá mức tưởng tượng. Nầy nhé điểm bốc quân là bãi cỏ bên cạnh Taxi Way của phi đạo Pochengton, trong lúc chờ đợi lên trực thăng bay ra chiến trường, mấy ổng thắp nhang đèn, đốt giấy vàng mã để khấn vái hay cầu xin Thần linh nào đó phò hộ cho mấy ổng, ôi thôi khói hương ngạt ngào nghi ngút lan tỏa cả một vùng, cảnh tượng không khác gì vào ngày Thanh minh tại một nghĩa trang lớn ở SG. Chưa hết đâu lúc lên tàu, không ông nào chịu ngồi phía ngoài thòng chân xuống như lính của ta, mà chen nhau để được ngồi vào trong, chắc mấy ổng sợ bị rơi xuống đất ? Tàu sắp sửa cất cánh, có vài ông cố nắm chặt dây ‘seat belt’ của hai phi công phía trước cho chắc ăn, làm chúng tôi thật khó chịu, phải quay đầu lại nói với mấy ổng bằng ngôn ngữ quốc tế (ra dấu) bảo là đừng có nắm cái dây đó nữa, mấy ông ơi… Bãi đổ quân của mấy ổng thật là xa, phải mất một giờ bay với vận tốc 100 knot, nghĩa là bãi đáp cách bãi bốc tại Pochengton đúng 120 miles hay 185 kilômét nằm về hướng chính Bắc (heading 360 độ) thuộc tỉnh Kompong Thom. Chuyến về tàu trống,  chúng tôi giảm bớt 200 rpm vòng quay của máy để tiết kiệm nhiên liệu, vậy mà đèn báo hiệu 20 phút xăng đã nổi lên trong khi chúng tôi còn 10 phút nữa mới đáp xuống bãi bốc quân. Thêm cái trở ngại nữa là nơi đây không có trạm xăng, cho nên chúng tôi phải tắt máy chờ xe bồn đến đổ từng chiếc, với lối đổ xăng chậm chạp kiểu ni thì phải mất đi từ 30 đến 45 phút mới xong cho 9 chiếc. Như vậy chỉ 3 chuyến đổ quân thôi thì đã hơn 8 giờ bay rồi. Xong việc, chúng tôi bay về căn cứ xứ ‘Sóc’, tới nơi thì đã là 21:30 hay 22:00 đêm, quả là một ngày quá dài…

               Không biết có phải nhờ những cuộc hành quân ngoại biên mà tình hình chiến sự trong vùng IV Chiến thuật trở nên yên tỉnh một cách lạ thường. Cả ba sư đoàn thiện chiến của QĐ IV lập nhiều căn cứ hỏa lực án binh ngay giữa lòng địch, đặc biệt Sư đoàn 21 có tới 4 căn cứ lớn từ U Minh Thượng tới U Minh Hạ, đó là Đông Hưng, Rạng Đông, Biện Nhị và Bình Minh đã làm cho vùng U Minh trở nên khá an ninh, tưởng chừng như đã bình định được rồi vậy. Nhớ vào đầu năm 1972, tôi có bay một phi vụ cho Phòng hai Tiểu khu Kiên Giang (Rạch Giá). Lộ trình là cất cánh tại phi trường MACV, cạnh đình thờ Liệt sĩ Nguyễn Trung Trực trong phố Rạch Giá, lúc ấy mới 9:00 sáng thôi thế mà bầu trời đầy mây đen bao phủ, dù vậy tầm nhìn xa chưa đến nỗi bết bát, chúng tôi sẽ bay đến một Phân chi khu (xã) ở phía nam Chi khu (quận) Hiếu Lễ. Khi vào được một đoạn sâu trên con kinh Xẽo Rô tức là kinh xáng nối tiếp với con sông Trẹm của nhà văn Dương Hà thì gặp phải một cơn mưa như trút nước. Nên biết vùng nầy nằm gần bờ biển phía tây cuối nước Việt, cũng là bờ ranh Vịnh Thái Lan nên chịu ảnh hưởng ít nhiều thời tiết của vùng vịnh là thường khi mưa nắng bất chợt như vậy đó. Giờ thì tầm nhìn xa chỉ chừng năm mười mét thôi, tôi nhờ anh hoa tiêu phó mở cần quạt nước ở nấc cao nhất để gạt bớt nước mưa trên mặt kính phía ngoài, nhưng cũng chẳng giúp ích được gì. Vậy chỉ còn cách là xuống thấp bay sát ngọn cây và bay dọc theo con kinh nếu gặp được đồn bót nào của quân ta thì đáp xuống ngay, phải đợi bớt mưa mới đi tiếp được. Cuối cùng chúng tôi đáp xuống một đồn còn cách 7, 8 dặm nữa mới tới quận Hiếu Lễ. Đây là một trong những đồn mà mới năm rồi bất cứ tàu tản thương Hồng Điểu nào muốn đáp đều phải yêu cầu có Gunship hộ tống đấy. Nói chung vào lúc đó thì hầu hết các đồn Nghĩa quân ở vùng nầy đều bị du kích Việt cộng đóng chốt sát ngay bên cạnh để uy hiếp. Tôi còn đang lưỡng lự có nên tắt máy hay không, thời may ngay lúc đó ông Trưởng đồn đội Poncho đi ra gặp chúng tôi và viên Th/tá trưởng phòng Hai Tiểu khu. Tôi hỏi ông ấy về tình trạng an ninh của nơi đây trước khi quyết định tắt máy…

               Đầu năm 1972  vẫn còn ‘thanh bình’ như thế đó, nhưng đến cuối xuân sang hè lại là chuyện khác… điều gì đã làm các ký giả, nhà báo, nhà văn đặt tên gọi : “Mùa hè đỏ lửa”. Ý nghĩa ra làm sao ? Dường như Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) muốn biết chiến lược ‘Việt Nam hóa chiến tranh’ của VNCH đã tiến triển tới đâu rồi và lợi hại như thế nào, nên chúng đã tung toàn lực ra để thử sức với quân ta. Lực lượng tấn công của chúng bao gồm 14 sư đoàn chính quy và 26 trung đoàn có chuyên môn cao như : phòng không, hỏa tiễn, trọng pháo, xe tăng, thiết giáp v.v…cùng tiến quân ồ ạt áp đảo khắp 4 Quân khu (QK) của VNCH. Tính từ QK I : chúng tấn công vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; QK II : chúng tiến đánh hai tỉnh Kontum, Pleiku; QK III : chúng bao vây thị xã An Lộc tỉnh Bình Long, riêng QK IV chúng tập trung được vài tiểu đoàn địa phương, quân số chỉ hơn một trung đoàn một ít để đánh phá các khu vực Mỹ An, Hậu Mỹ, Mỹ Phước Tây, Ấp Bắc thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Mục đích của chúng là muốn giữ chân quân ta, vùng chiến thuật nào ở yên vùng đó, không để vùng nầy đưa quân sang tiếp ứng vùng kia.

               Tại QK IV, cộng quân khuấy rối với quân số ít ỏi như vậy, tất nhiên là chúng bị Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 tiêu diệt nhanh gọn. Rồi tuân theo chỉ thị của Bộ TTM, QĐ IV đã gửi trọn bộ Sư đoàn 21 cộng thêm Trung đoàn 15/SĐ 9 lên để tiếp ứng vùng III  giải vây An Lộc, đồng thời SĐ IV/KQ cũng tăng phái PĐ 211 lên hợp tác với các phi đoàn bạn thuộc SĐ III/KQ trong việc yểm trợ như chuyển quân, tản thương, tiếp tế v.v…Vào cuối tháng ba 1972 tại QK IV, trung tâm tình báo điện tử đã nhận được nhiều tín hiệu từ những chiếc máy sensors dò người (cây nhiệt đới), cũng như từ những cảm tình viên cấp báo là CSBV đang tập trung một quân số rất lớn tại Kompong Trach dự định sẽ đột nhập vào vùng Rạch Giá, Hà Tiên. QĐ IV liền huy động tức thời một Liên đoàn BĐQ do Tr/tá Đ.. chỉ huy gồm 3 tiểu đoàn BĐQ/ Biên phòng lấy từ các trại dọc theo kinh Vỉnh Tế và được tăng cường thêm một Chi đoàn TG thuộc Thiết đoàn 12/Kỵ binh đến đó nghinh địch. Đến đây tác giả xin có vài lời thanh minh, vì theo như tôi được biết chuyện mặt trận Kompong Trach đã có lắm người viết rồi, như : một vài sĩ quan Kỵ binh TG, một vài sĩ quan BĐQ, Ch/tướng Phạm Duy Tất, Tr/tướng Ngô Quang Trưởng v.v…Cho nên tôi đang do dự, tự hỏi là có nên viết về mặt trận nầy không, vì nếu viết không khéo vô hình chung làm phật lòng đến hai binh chủng lớn mà tôi rất ngưỡng mộ. Xin trở lại câu chuyện : Quân ta vừa vào là đã chạm địch ngay, lại còn bị bao vây tứ phía và địch đã bắn cháy một vài chiến xa M-113 của quân ta. Do khai thác từ một vài tù binh mới bắt được, chúng ta biết đây: Công trường 1, danh xưng là ‘Công trường Thép’ của CSBV, lại được tăng cường thêm một Tr/đoàn phòng không trọng pháo và một Tr/đoàn của Công trường 9. Và như thế, hiện tại quân ta coi như là : một chọi năm với địch rồi đấy. Tình thế vô cùng nguy cấp, QĐ IV cho tiếp viện thêm 2 Thiết đoàn : 12 và 16 Kỵ binh dưới quyền điều binh của Đ/tá N.v. Của, Tư lệnh phó Lữ đoàn 4 Kỵ binh, về phía BĐQ thì Đ/tá Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng BĐQ /QĐ IV cũng đưa luôn Liên đoàn 7 BĐQ vào ứng chiến. Quân cộng sản vẫn tiếp tục bám chặt vào quân ta, đấy là chiến thuật tránh né hỏa lực phi pháo mà chúng thường thực hiện ở vùng đồng bằng, chúng gọi đó là ‘chiến thuật cài răng lược’. Trong trận nầy chúng tung ra nhiều vũ khí mới như phòng không 37 ly còn xa lạ với anh em KQ vùng IV chiến thuật, và hỏa tiễn AT-3 Sagger chống tăng, thiết giáp rất hữu hiệu, nếu đem so với B40, B41 thì loại tên lửa mới nầy vượt trội hẵn. Theo như lời của bạn tôi, chi đội trưởng TG nói về AT-3 : đây đúng là khắc tinh của TG bởi vì loại hỏa tiễn nầy sau khi bắn ra, xạ thủ vẫn có thể điều khiển đạn đạo bay đến đúng mục tiêu, chính vì thế trong trận nầy quân ta bị bắn cháy khá nhiều thiết xa M-113. Còn về trực thăng anh em chúng tôi, mỗi ngày đều có một, vài ‘Team’ và mỗi ‘team’ có từ 3 đến 4 chiếc trực thăng luôn túc trực tại phi trường Tô Châu đợi lệnh. Xin nói sơ về phi trường Tô Châu : đây là phi trường dã chiến của trại Lực lượng Đặc biệt Tô Châu (Về sau binh chủng nầy giải tán và binh sĩ họ trở thành chiến sĩ BĐQ/ Biên phòng) phi trường nầy cũng giống như những phi trường của các trại Tống Lê Chân, Cà Tum, Thiện Ngôn, Đức Huệ v.v… Được đặt trên đỉnh một ngọn đồi thắp, bằng phẳng rộng lớn, cao khoảng vài chục mét so với mặt biển, nằm về hướng đông-nam Hà Tiên và cách quân lỵ nầy bởi chiếc cầu nổi bắt ngang qua một đầm nước lớn (có nên gọi là ‘Phá’ không ?), đây cũng là hạ lưu con sông Giang Thành phát xuất từ bên trong vương quốc Cao Miên đổ nước vào đầm nầy trước khi chảy ra biển. Hiện thời bộ chỉ huy tiền phương của QĐ IV đang đóng tại đây để theo dõi tình hình bên trong Kompong Trach. Vì vậy hằng ngày chúng tôi thấy có lắm vị Tướng, Đại Tá như : Tướng Trưởng Tư lệnh QĐ IV, tướng Hoàng Tham mưu trưởng Quân đoàn, tướng Ánh Tư lệnh SĐ IV/KQ, Đ/tá Ninh Tư lệnh Biệt khu 44, Đ/tá Gia Tư lệnh Lữ đoàn 4/TG v.v… thường xuyên có mặt tại nơi đây…

               Trong lúc chờ bay, từ đỉnh đồi Tô Châu chúng tôi hay dõi mắt hướng về phương bắc : những cột khói đen ngòm ngùn ngụt bốc lên cao, đó là Kompong Trach cách đây khoảng chừng 10 dặm thôi, hiện nơi đó đúng là địa ngục trần gian, khói lửa ngút ngàn đang thiêu sống cả địch lẫn ta, địch và ta cứ bám sát nhau, bắn giết nhau không ngừng nghỉ, thây người gục ngã cả hai bên đã khá nhiều rồi. Hiện thời trên vòm trời đó có một phi tuần gồm 2 phản lực cơ đang gầm thét trút ném bom đạn xuống đầu quân giặc, rồi lại có những bông khói trắng hình dạng giống cái nấm rơm đang nở rộ gần hai chiếc phi cơ nầy, đó là những viên đạn phòng không 23 ly hoặc 37 ly bắn không trúng mục tiêu, nên tự nổ trên không. Ngoài kia còn một phi tuần khác cũng hai phản lực cơ đang làm vòng chờ (orbit) trên bầu trời Hà Tiên sẵn sàng đi vào đánh tiếp khi hai chiếc trong đó đánh hết bom đạn. Và còn nhiều phi tuần nữa cứ nối tiếp và tiếp nối, tính ra có đến vài chục phi tuần đến oanh kích, hỗ trợ quân ta mỗi ngày …Chúng tôi thầm cầu mong quý bạn phi công phản lực được bình an để trực thăng chúng tôi không phải bay vào ‘rescue’ các  bạn. Sở dĩ quân bạn trong đó chưa muốn nhờ đến chúng tôi lúc nầy, mặc dù họ có nhiều nhu cầu rất cần thiết như : tiếp tế, tản thương, mang tử thi ra v.v…nhưng họ đã biết rồi đó, với khoảng ba ngàn tay súng lớn nhỏ của cộng quân giăng ra như thiên la địa võng thì làm sao chúng tôi vào an toàn được. Chúng tôi đã rớt một vài chiếc trong ấy, cứ mỗi lần như vậy quân bạn rất là vất vả vì họ phải bung ra ngoài, tất nhiên bị thiệt hại mới cứu được phi hành đoàn. Đó là lý do vì sao chúng tôi vẫn mãi túc trực tại phi trường Tô Châu …

            pic  

Tính đến hôm nay mặt trận Kompong Trach đã được 5 tuần tuổi. Đôi bên vẫn giao tranh kịch liệt, tổn thất hai phía đã lên con số khá cao nhưng chưa bên nào chịu rút quân. Vì ai cũng hiểu chuyện lui binh là chẳng đơn giản chút nào, vì nếu không điều nghiên kỹ, nếu sơ suất để lộ dấu hiệu gì, thì rất dễ bị địch truy kích tiêu diệt mình ngay. Tại bộ chỉ huy tiền phương Tô Châu, tướng Trưởng quyết định viện binh thêm để giải cứu quân ta trong đó, chớ không muốn tình trạng nầy kéo dài thêm nữa. Thế là Thiết đoàn 2 Kỵ binh và Tiểu đoàn 58 BĐQ được lệnh tăng cường, cộng quân nắm bắt được cái tin chẳng lành nầy thì chúng đợi một đêm tối trời, lặng lẽ xé lẻ đơn vị cho dễ “chém vè” (Từ nầy là của việt cộng có nghĩa là rút lui, tháo chạy) và rồi chúng cũng còn toan tính chuyện gì nữa đấy, chớ ít khi chúng chịu rút lui êm thắm như vậy đâu, chuyện nầy sẽ thuật sau.

              Và rồi quân tăng viện của ta đã bắt tay được với quân tử thủ trong ấy. Bây giờ đến lúc trực thăng chúng tôi thật sự bận rộn đây, đầu tiên là phải chở vài chục phuy (barrel) xăng super vô cho Thiết giáp, đây là một việc làm rất...rất là nguy hiểm cho anh em chúng tôi. Đáng lý mấy ‘barrel’ nầy phải được đặt trong túi lưới nylon lớn, xong rồi móc vào cái ‘hoist’ dưới bụng con tàu mang đi. Nói tóm tắt là phải ‘load’ bên ngoài, vì nếu bị bắn cháy, chúng tôi còn có thể ‘release’ kịp lúc, chớ ‘load’ vào trong, thì nào : 4 phuy xăng Super, rồi thêm khoảng hơn 3 phuy (1400Lbs) nhiên liệu JP4 của trực thăng, lỡ điều không may xảy ra, bố mẹ chúng tôi có vào trong đó lấy xác con thì chắc chỉ hốt về độ chừng một chun nhỏ tro cốt là cùng. Sách vở dạy như vậy nhưng họ không có túi lưới thì làm sao đây, cuối cùng thì cũng phải giúp họ thôi…

               Làm cái nghề ‘đưa, rước chiến sĩ’ lắm lúc cũng rất cực, hằng ngày chúng tôi đưa họ ra mặt trận, tàn cuộc chiến lại rước họ về, chúng tôi từng trông thấy hàng trăm bãi chiến trường lớn nhỏ khác nhau...nhưng chưa lần nào làm chúng tôi xúc động mạnh đến vậy. Kompong Trach đó, sau cuộc giao tranh khốc liệt dai dẵng, quang cảnh đó bấy giờ trông thật là tiêu điều tan tác chen lẫn nỗi sầu thảm, bi thương… Bãi chiến lớn chừng vài cây số vuông thôi, trên mặt đất gần như không còn chỗ nào là lành lặn nữa mà toàn là vũng sâu, hố trũng, ổ voi lớn nhỏ đủ mọi kích cỡ, cây cối lớp thì bị cháy xén, trơ cành trụi lá xác xơ, lớp thì tróc gốc ngã đổ la liệt. Xa xa một vài đống sắt vụn là những thân xác chiến xa đã bị bắn cháy. Sở dĩ chúng tôi phải dừng đây hơi lâu là vì phải chờ quân bạn phụ đem mấy phuy xăng super xuống, đây cũng là dịp để chúng tôi mục kích cảnh trạng đau lòng nầy…Bên phải tàu tôi cách chừng 20 mét là một hàng dài thi thể bạn ta đã hy sinh, có khoảng trên dưới ba mươi xác người được gói kín trong poncho, cột dây chặt lại, trong đó có vài poncho phình to có nghĩa là xác đó đã khá lâu, đã nặng mùi. Người bạn BĐQ cho biết là còn nhiều hơn thế nữa, họ buộc lòng phải đem chôn sớm để tránh dịch bệnh…Bên trái con tàu là nhóm thương binh ngồi bó gối ôm đầu, như đang chống chọi cơn đau nhức hành hạ và một số chắc tệ lắm nên mới được cho nằm trên cáng, đếm sơ chắc phải hơn năm, sáu mươi người. Nhìn những thân thể băng bó nhiều nơi hoặc toàn người, rồi những băng trắng bó quanh mấy vết thương nay đã đổi sang màu đất cát hay màu đen sậm do máu mủ ứ động lâu ngày, rồi nhìn những khuôn mặt hốc hác xanh xao, những hố mắt trũng sâu đờ đẫn đầy tuyệt vọng của họ, thì hỏi ai tránh khỏi cái cảm giác xót dạ đau lòng, tự nhiên tôi cảm nhận trong tôi có một sự quý mến cũng như biết ơn sâu xa đến những hy sinh cao cả của các anh ấy. Họ là những ưu tiên được anh em chúng tôi mang ra trước …

               Trở lại câu chuyện cộng quân rút lui khỏi Kompong Trach. Trước hết chúng lựa ra được hơn một Trung đoàn tương đối còn lành lặn khỏe mạnh để tiếp tục xuôi về phương nam, băng qua cánh rừng tràm Trà Tiên, xuống tấn công Chi khu Kiên Lương, phần còn lại thì xé lẻ tẩu thoát như nói đoạn trên…Quận lỵ Kiên Lương nằm trên Liên tỉnh lộ Rạch Giá - Hà Tiên nhưng lại gần Hà Tiên hơn. Đây là một quận nhỏ xíu nhưng vì chánh phủ muốn đưa vấn đề hành chánh xuống tận nông thôn vùng nầy, hơn thế nữa nơi đây còn có nhà máy xi măng lớn, có cả sân bay dài nằm phơi mình cạnh bờ biển khá xinh. Dường như sân bay nầy chỉ dùng đưa rước khách hàng hoặc cổ đông của họ đến đây thăm viếng, lẽ tất nhiên là phải dùng đường hàng không rồi, vì đường bộ từ Rạch Giá đi vào đây đã mất an ninh từ lâu và hư hại nặng. Cái chuyện lẻn đem quân xuống để tấn công Kiên Lương đúng là một tính toán thật sai lầm dại dột của cộng quân và là một cơ hội rất tốt cho anh em BĐQ cũng như TG có cái dịp trả thù lúc bị vây hãm trong Kompong Trach. BĐQ được tăng cường thêm một Tiểu đoàn 86 / Biên phòng, đó chưa kể đằng sau còn có Sư đoàn 9 chống lưng, nên tinh thần chiến đấu của chiến sĩ ta rất là phấn khởi. Các anh tấn công chúng tới tấp như vũ bão, làm chúng vô cùng kinh ngạc, không trở tay kịp, cuối cùng phải xõng lưng bỏ chạy, để lại chiến trường gần 500 xác chết đếm được.

            Rồi vài tuần sau đó, chúng ta lại có thêm một trận đánh lớn nữa, trận nầy cũng trên lãnh thổ Kampuchia nằm hướng bắc - tây bắc của Mộc Hóa và cách đây chừng trên mươi dặm. Diễn tiến như sau : theo tình báo, cộng quân đang tập trung một quân số rất lớn tại Kompong Ro, tức là địa điểm nầy đây. Đến đây chắc bạn đọc muốn biết chữ ‘Kompong’ có nghĩa là gì, mà sao cứ nghe nhắc tới hoài vậy, lại còn thấy rất nhiều ‘Kompong’ trên bản đồ địa dư của xứ  Kampuchia. Tôi đã hỏi một ông Việt kiều tại Ph/Penh thì được biết ‘Kompong’ có nghĩa là thôn ấp hoặc là xã nhỏ... nhưng tôi thấy mấy cái ‘Kompong’ kiểu như : Kompong Chhnang, Kompong Speu, Kompong Cham, Kompong Thom thì không nhỏ đâu đó… Trở lại mặt trận Kompong Ro, nó bắt nguồn từ cái nguyên do sâu xa là : từ lâu cộng quân rất muốn san bằng tỉnh lỵ Mộc Hóa (M/H) vì chúng thấy nơi nầy là một chướng ngại lớn trên đường xâm nhập xuống các tỉnh phía bắc con sông Tiền giang. Chúng đã nhiều lần thử sức, bằng cách đánh vào hai chi khu của M/H là Tuyên Nhơn, Tuyên Bình nằm về hai phía đông và tây, nhưng lần nào chúng cũng chuốc lấy thảm bại để lại rất nhiều thi thể máng vắt vẻo trên hàng rào kẽm gai tại hai chi khu nầy. Cách đây vài ngày, một hợp đoàn hành quân (Package) của PĐ bạn làm việc cho Tiểu Khu M/H, sau khi xong vài 'Lift' (chuyến) tản thương, tiếp tế cho tiền đồn v.v… ‘Back seater’ (vị chỉ huy cuộc hành quân) muốn chiếc C&C (tàu chở ‘back seater’) dẫn theo cặp Gunship bay thám thính (VR) ở vùng Kompong Ro và dường như họ cũng muốn ‘trồng’ thêm ‘củ rà rốt’ trên đó nữa, đó là cách nói dí dỏm ám chỉ chiếc máy sensors dò người vì nó có ngoại hình hơi giống củ cà rốt lúc mới được nhổ lên, bởi phần đầu chiếc máy cũng có long tu tua tũa màu xanh cỏ cây để tịp với cảnh sắc thiên nhiên và phần đuôi thon nhọn dễ ghim sâu xuống mặt ruộng. Xã Kompong Ro thuộc vùng đất Miên, nằm sát biên giới VN trong khu Mỏ Vẹt (Parakeet s’ beat). Vừa đến nơi, chiếc C&C mới đảo một vòng đã bị phòng không bắn cháy, hai chiếc Gunship nóng lòng muốn cứu bạn nhưng không thành công vì hỏa lực của địch quá mạnh.

              Ngày hôm sau, Trung đoàn 10/ SĐ 7 do Đ/tá An làm Tr/đoàn Trưởng quyết định đổ một tiểu đoàn xuống nơi đó. Cuộc đổ quân hoàn tất khoảng 13:00 giờ, anh em trực thăng trở về phi trường M/H ăn trưa và ‘stand by’(tạm nghỉ và chờ lệnh) trong lúc đó quân bạn bắt đầu tiến quân lục soát, mãi đến chiều tối cũng chẳng nghe thấy động tịnh gì, quân bạn cho bố trí quân sẽ ở lại đêm nay và hy vọng ngày mai sẽ được bốc về sớm … nhưng vào nửa đêm thì cộng quân không biết từ đâu kéo đến, vây chặt tứ phía, chúng tấn công mạnh như phong ba bão táp. Theo lời khai của tù binh mới bắt được thì biết đây là một trung đoàn của công trường 9, được tăng cường thêm một tiểu đoàn tên lửa, phòng không. Tù binh còn khai thêm là : Chúng đoán biết thế nào quân ta cũng hành quân vào đây nên chúng tạm lánh mặt, di chuyển về hướng bắc chừng một vài cây số, đợi đến đêm chúng mò xuống tấn công … Thì ra cũng là công trường 9, đây là một sư đoàn lì lợm và năng nổ nhất của chúng, chúng ta không biết quân số của chúng được bao nhiêu mà trải quân rất rộng, về mặt bắc chúng luôn đánh phá các tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Phước long thuộc QK III, khiến cả hai sư đoàn thiện chiến nhất của QK III là SĐ 5 và SĐ 25 thật khổ cực vì bọn chúng. Còn phía nam chúng thường xuyên có mặt các tỉnh phía bắc con sông Tiền giang như Mộc Hóa, Cao Lảnh, Mỹ Tho, Tân An làm hai Sư đoàn : 7 và 9 rất khó nhọc với lũ ác ôn nầy. Riêng trực thăng chúng tôi, hai phi đoàn trẻ 225 và 227 đã có dịp để lại cho chúng một vài dấu ấn đáng ghi nhớ …Với chiến thuật biển người : bốn dập một, chúng đè bẹp quân ta một cách dễ dàng. Sáng hôm sau Đ/tá An quyết định thảy vô thêm một tiểu đoàn nữa. Hôm nay phi đoàn chúng tôi coi như gặp ngày hắc đạo, xui xẻo hết biết luôn… vì ngay khi thả xong 'Lift' đầu tiên, rồi trên đường đi ra của hợp đoàn 5 chiếc Slick (tàu đổ quân) và hai Gunship hộ tống hai bên, vừa mới đạt được cao độ chừng hơn một ngàn bộ thôi, thì chiếc Gun I bị hỏa tiễn phòng không của địch bắn đứt đuôi, con tàu quay vòng vòng như bông vụ, đáp khẩn cấp. Tức tốc chiếc slick bay vị thế số 5 (Trail) tách khỏi hợp đoàn đáp cập theo chiếc bị nạn, và rồi chiếc Gun II cũng bám sát theo luôn và sử dụng cặp Minigun 6 nòng quạt tối đa để bảo vệ bạn. Với sự phối hợp chặt chẽ nhanh chóng nên việc cấp cứu phi hành đoàn chiếc Gun I rất dễ dàng, sau đó chiếc slick số 5 đưa bạn mình về hồ nước ngọt Mỹ Tho, đây cũng là Helipad (bãi đáp trực thăng) của Quân y viện Định Tường để được nhập viện. Vừa cứu được đồng đội, anh em chúng tôi chưa kịp mừng thì chiếc C&C chở Đ/tá An đang bay ở cao độ 2000 bộ vòng quanh bãi đáp để quan sát và chỉ huy mặt trận, lại bị hỏa tiễn phòng không bắn đứt đuôi nữa, tàu lại quay mòng mòng, Đ/tá An và anh cơ phi (phi hành đoàn) văng ra khỏi phi cơ, cả hai anh dũng hy sinh ngay tức thì. Lập tức, chiếc slick số 4 và chiếc Gun II quay trở lại cấp cứu phi hành đoàn và một vài sĩ quan phụ tá của 'Đại bàng' cùng bay trên chiếc ấy, tất cả cũng được đưa về Quân y viện Mỹ Tho y như chiếc slick số 5 đã làm. Rủi thay thân xác của đại bàng bị đôi càng đáp của trực thăng (skid) đè lên chân, nên rất khó kéo ông ấy ra ngay lúc ấy, còn thi thể anh cơ phi hiện thời chưa thấy đâu, những chuyện đó chắc phải nhờ quân bạn giúp đở. Số tàu còn lại là : 3 Slick và một Gunship được lệnh trở về sân bay Mộc Hóa tắt máy chờ lệnh.

               Với tình hình khẩn trương như vậy, Th/tướng N.K.Nam, Tư lệnh SĐ 7 quyết định cho ngưng ngay các cuộc hành quân của hai Chi đoàn Kỵ binh Thiết Giáp tại vùng Ấp Bắc và phía đông của tỉnh M/H, và lệnh cho hai Chi đoàn nầy cấp bách tiếp ứng ngay mặt trận Kompong Ro, rồi trên đường đi vô đó, làm ơn đưa giúp số quân còn lại của Tiểu đoàn đổ quân lở vở lúc sáng nầy. Phần anh em chúng tôi sau khi tắt máy tụ hợp bên nhau để cùng nhau tìm hiểu xem loại vũ khí mới nào đây mà nguy hiểm đến như thế. Mọi người đều góp ý, cuối cùng gần như ai cũng đồng ý cái kết luận : đây là một loại hỏa tiễn tầm nhiệt mới, tuy chưa biết tên. Sở dĩ các bạn có chung quan điểm đó là vì nhận thấy khi hỏa tiễn bay lên thì nó cố tìm hơi nóng để chui vào đó phá hủy. Nhưng đặc điểm ở Trực thăng là : trước khi nó chui được vào ống khói (Exhaut), bắt buộc nó phải chạm cái phần đuôi trước, tại vì ống thoát nhiệt của động cơ phản lực T-53-L13 được đặt trên nóc và phần sau của khung phòng, thổi nhiệt chừng 600 độ C thẳng ra phía sau đuôi. Như vậy coi như là lý giải được tại sao bị bắn đứt đuôi, còn tại sao tàu quay mòng mòng như bông vụ ? Anh em trong nghề đương nhiên ai cũng biết chuyện nầy, nhưng còn một số độc giả, vậy cho phép tôi cắt nghĩa một cách nhanh gọn : Trực thăng sở dĩ vận chuyển được là nhờ cánh quạt lớn trên nóc quay nhanh, nhưng cũng chính nó tạo ra ngẫu lực (Torque) to tát làm cho thân con tàu phải quay theo, vậy phải cần có một chong chóng gắn ở sau đuôi nằm theo chiều thẳng đứng (vertical) cũng phải quay nhanh để tạo ra một lực khác chận lại cái ngẫu lực đó (Antitorque), có như vậy con tàu mới bay thẳng được. Bây giờ chúng ta đã hiểu chong chóng đuôi là quan trọng thế nào rồi, khi mất nó, con tàu quay mòng mòng đấy. Đến đây tôi cũng xin lỗi về bài viết của tôi có quá nhiều dấu ngoặc mở ‘(’ và ngoặc đống ‘)’ chú thích dài dòng, có lẽ tại tôi đã bị dị ứng vì trước đây tôi đã đọc một số bài viết của nhiều vị niên trưởng bay những loại phi cơ khác, công tâm mà nói các huynh ấy viết rất hay nhưng một vài vị, có lẽ vì lười chú thích, cho nên tôi đọc mà không hiểu hết, tôi nghĩ những bạn đọc khác chắc cũng thế, nhất là những từ về chuyên môn hoặc kỹ thuật của riêng từng loại phi cơ. Do vậy, từ đó tôi thà chọn lối hành văn có vẻ kỳ cục, không giống ai …nhưng được một cái làm người đọc hiểu thông suốt là tôi vui rồi.

               Chỗ chúng tôi tụ tập là gần một chiếc Dodge-4 chở đầy ắp đồ tiếp tế, có lẽ chờ mang vô trong đó, rồi một ông Trung úy chắc là Trưởng ban 4 của Tiểu đoàn đang tham chiến hôm nay, đã nhận ra trong bọn chúng tôi có một vị là bạn học cũ của ông nên ông ta đến bắt chuyện tán gẫu với chúng tôi cho vui. Cũng nhờ chiếc máy PRC-25 của ông nên chúng tôi biết phần nào tình hình trong đó. Khoảng 15:00 giờ hai Chi đoàn TG viện binh đã bắt tay được tiểu đoàn bị ‘overgun’ (bị tấn công) đêm qua, khoảng 17:00 giờ có thêm một tin tốt nữa là tình hình có phần sáng sủa, cộng quân bị dồn ép về một phía và chống trả yếu ớt, rất có thể chúng sẽ rút lui trong đêm nay. Nếu điều đó xảy, cũng dễ thôi quân bạn chỉ cần yêu cầu mấy huynh trưởng Hỏa long, Hắc Long, Tinh Long...(vận tải cơ võ trang C-47, C-119) sẽ tính sổ bọn chúng rất đẹp. Khoảng 18:00 giờ chúng tôi nhận lệnh từ Tr/tá Trung đoàn phó : tất cả 5 Slick và hai Gunship (Gunship II sẽ dẫn Gunship III) bay vô đó một chuyến để bốc ‘Whisky’ (Thương binh, gọi tắt từ chữ ‘Wounded’) và ‘Kilo’ (Tử thi, từ chữ ‘Killed’) mang ra, trong đó có thi thể Đ/tá An và anh cơ phi của chúng tôi. Nhân đó, ông ấy cho chúng tôi biết loại vũ khí đã bắn rớt hai trực thăng sáng nay, tên của nó là ‘Tên lửa Sam số 7’ và ông cũng chỉ dẫn chúng tôi hướng đi vào an toàn tức là hướng tiến quân của TG lúc trưa nầy. Sau khi bay tới Chi khu Tuyên Bình tất cả 7 chiếc xuống thấp bay ‘Low level’ đi vào, rồi sau khi nhận đủ  ‘hàng’, chúng tôi cũng theo lối cũ mà bay ra và cũng giữ cao độ thấp như lúc vào. Khi về tới phi trường M/H, hợp đoàn hành quân chúng tôi được ông Trung đoàn phó nầy : ‘Release’ (trả về đơn vị). Xong ông còn nhờ một việc nữa là xin một Slick đưa giùm thi thể Đại bàng về Tổng Y viện Cộng Hòa. Chuyện nầy cũng tốt thôi, chúng tôi cũng cần gởi thi thể bạn mình đem về Tử Sĩ Đường KQ trong Tân Sơn Nhất…

               Một tuần sau đó tất cả phi đoàn thuộc SĐ IV/KQ đều được thông báo về loại hỏa tiễn tầm nhiệt Stela-2 của Nga gọi tắt là “Hỏa Tiễn SA-7” đã xuất hiện tại QK IV mà phi đoàn chúng tôi đã “hân hạnh” diện kiến với chúng đầu tiên…Viết tới đây nghĩ tức cười mấy ông Việt cộng, mấy ổng cố tránh né những danh từ Hán Việt văn vẽ thanh cao mà ngoan cố dùng những từ ngữ kệch cỡm quê mùa như : Tên lửa Sam số 7, Tàu bay lên thẳng, Lính thủy đánh bộ, Tàu sân bay, Hạm đội số 7…đó chưa kể về mặt xã hội mấy ổng xài những từ : Nhà đái, nhà ỉ., xưởng đẻ…làm mấy bà, mấy cô nghe thấy phải ngượng ngùng đỏ mặt. Nhưng khi loài khỉ Trường Sơn được về thành phố, được học lóm cái văn minh của người dân phố thị thì chúng bắt đầu đẻ ra những từ bằng Hán tự mới, nghe thật là ngô nghê, ngốc nghếch, buồn cười. Thí dụ như : khu du lịch văn hóa, văn hóa phi vật thể, văn hóa ẩm thực (cái nầy chắc là ‘văn hóa hữu thể’ chăng? Đề nghị các ‘đồng chí’ thêm : văn hóa tô bún mắm, văn hóa tô bún riêu cho đủ bộ), chế độ đa thê, cơ quan hải quan, vĩ mô, tham quan, xuất siêu, nhập siêu, triển khai, đề xuất, tiêu chí, khí tài, động thái, nội hàm, bảo kê, v.v..và v.v… Quý vị nào muốn biết thêm xin tìm đọc “ Tự điển tiếng Việt đổi đời ” của cụ Phó đốc sự Đào v. Bình…

pic

Sau hai trận lớn nầy Tướng Ngô Q. Trưởng được gắn thêm một sao nữa trên cổ áo và được TT Thiệu mời ra giữ chức vụ Tư lệnh QĐ I thay thế Tướng HXL. Chiến sự vẫn tiếp diễn thật gay go đều đặn tại các QK I, QK II và QK III. Riêng QK IV tương đối nhẹ hơn so với các QK bạn, có lẽ vì ở quá xa nơi xuất phát của bọn chúng chăng. Được may mắn đó, QĐ IV đã gởi trọn một Sư đoàn cộng với một Trung đoàn lên tăng viện cho QĐ III như nói đoạn trên. Cũng trong thời gian nầy Ngoại trưởng HK là Tiến sĩ Henry Kissinger thường xuyên đi gặp Thủ Tướng Chu Ân Lai của Trung cộng tại Bắc Kinh. Hai bên nói gì với nhau thì không ai biết được nhưng ngay cả chánh phủ Hà Nội và VNCH tỏ ra không thích những chuyện gặp gỡ ‘đi đêm’ lén lút của họ. Theo giới chuyên gia phỏng đoán là dường như người bạn HK muốn đem miếng mồi miền nam VN ra để mặc cả đổi chác gì đó có lợi cho HK chăng ? Sau đó Kissinger cũng thường gặp cái tên Bí thư thường trực kiêm Trưởng ban Chánh trị Đặc biệt Lê Đức Thọ của chánh phủ Hà Nội tại thủ đô Paris, không biết đôi bên bàn thảo chuyện gì, nhưng rồi sau đó cả 4 bên : Hoa kỳ, Bắc Việt, VNCH và MTGPMN ký Hiệp Định Ngưng bắn Paris ngày 27 tháng 01 năm 1973. Người Mỹ xem cái hiệp định nầy là một thắng lợi lớn đối với họ để họ được ‘Rút lui trong danh dự ’. Rồi khi rời VN thì “ Ngày đi người đã hứa toàn những lời chan chứa còn hơn gió hơn mưa (Châu Kỳ)”, nhưng người có giữ lời hứa đó không, hãy chờ xem. Còn về phía VNCH luôn cảnh giác cao độ với những lệnh ngưng bắn kiểu nầy vì đã hơn một lần bị lừa phỉnh (Tết Mậu Thân 1968). Vào những ngày đầu ngưng bắn 27-01-1973, tại QĐ IV tuy không có những cuộc hành quân quy mô, nhưng mỗi phi đoàn trực thăng được lệnh cung ứng vài ba ‘teams’ Gunship để sẵn sàng ứng phó.

               Vào ngày trên, ‘team’ của tôi gồm hai chiếc Gunship làm việc cho Sư đoàn 7, chúng tôi có mặt tại phi trường Đồng Tâm lúc sáng sớm. Khoảng 9:00 chúng tôi được lệnh cất cánh : bay tới địa điểm hướng Đông-bắc tỉnh lỵ Mỹ Tho khoảng chừng 2 cây số rồi liên lạc với một Chi đoàn TG đang hành quân ở dưới, thì ra nơi nầy là khu vực chùa Vĩnh Tràng nằm về phía đông con sông Bảo Định. Xin nói sơ về ngôi cỗ tự ước chừng 130 tuổi tính vào thời điểm nầy, toàn diện ngôi chùa thật là lộng lẫy uy nghi, kiến trúc nửa theo Đông phương, nửa theo Tây âu nên trông thật là đồ sộ tráng lệ, xứng đáng là một di sản tôn giáo vô cùng quý giá, chẳng những làm hãnh diện cho người dân Mỹ Tho mà luôn cả người lục tỉnh Nam kỳ. Chúng tôi được bạn Thiết kỵ cho biết đại khái : Khuya đêm rồi có chừng một đại đội vc mom mem định mò về tỉnh lỵ Mỹ Tho, chúng đã bị một Tiểu đoàn Địa phương quân (ĐPQ) cơ hữu đẩy lui, và sau đó Tiểu khu Định Tường lại nhờ Chi đoàn Thiết kỵ nầy tiếp tục truy kích bọn chúng. Hết đường chạy, vc dường như tính chuyện chui vào chùa Vĩnh Tràng dàn quân cố thủ chống lại ta. Ai cũng biết đây là một trong những ‘chiến thuật’ đê tiện đốn mạt nhất, thế mà vc vẫn áp dụng mỗi khi chúng thất thế sa cơ thì chúng hay ẩn nấp vào chùa chiền hoặc giả lùa cụ ông, bà lão, đàn bà, trẻ nít đi trước làm lá chắn cho bọn chúng. Bởi biết thế nào vc cũng sẽ làm như vậy, nên người bạn Thiết kỵ yêu cầu chúng tôi làm ơn đánh bộc hậu, ngăn chận không để bọn chúng lẻn vào chùa, còn mặt chánh thì cứ để họ thanh toán bọn chúng…

               Ngày đầu tiên Hiệp định ngưng bắn của anh em chúng tôi là như thế đó. Qua ngày thứ nhì : 28-01-73, team chúng tôi cũng hai chiếc Gunship được lệnh trình diện tại sân bay Bạc Liêu (BL) vào lúc 7:30 sáng, khoảng đâu 8:30 vị Tiểu khu trưởng (Tỉnh trưởng) BL là Đ/tá N.N.Điệp mới đến, ông nai nịt gọn ghẻ cùng tên đệ tử mang máy PRC-25 leo lên chiếc Gun I rồi bảo hai chiếc bay vô Chi khu Phước Long. Khi đáp xuống đó, thì Th/tá S..Chi khu trưởng (Quận trưởng) cùng ông tà lọt cũng mang máy truyền tin leo lên chiếc Gunship số 2.  Tiếp theo là Đ/tá Điệp bảo chúng tôi bay đến xã Ninh Quới để giải tỏa cái đồn Nghĩa Quân (NQ) đã bị vc tấn công đêm qua, và Đ/tá Điệp cũng muốn chúng tôi liên lạc trực tiếp với ông Trung đội trưởng trong đồn để việc yểm trợ được hữu hiệu hơn. Đến đây chắc tôi phải tả sơ về xã Ninh Quới một chút, xã nầy nằm trên con kinh xáng dài nhất nước ta, đó là kinh xáng từ Ngã Bảy (Quận Phụng Hiệp của Cần Thơ) chạy dài tới quận Phước Long của Bạc Liêu. Xã Ninh Quới lại nằm giữa hai quận Vĩnh Quới (Tức là Q. Ngã Năm của Sóc Trăng) và quận Phước Long. Nếu đi từ quận Vĩnh Quới xuống, thì đầu tiên sẽ gặp cái đồn lớn Nghĩa Quân (NQ) nằm bên tay trái, tức là bờ đông của kinh xáng. Đồn lớn nầy chắc phải có ít nhất trên 50 chiến binh NQ trấn giữ và dường như cơ sở hành chánh xã ấp cũng đặt luôn ở bên trong ấy, ngay giữa đồn luôn thượng lá quốc kỳ vĩ đại nên tạo thêm phần khí thế uy nghi. Kế đến là đụng ngã tư con sông do một con rạch nhỏ cắt ngang kinh xáng đó tạo thành. Nhánh phải con rạch chảy về hướng tây dẫn tới Ngang Gừa (tức là Q. Kiến Thiện của tỉnh Chương Thiện) còn nhánh bên trái chảy về hướng đông đi đến BL chăng ? Ngay đầu vàm ngã tư, phía bên kia con rạch tức là đối diện với đồn NQ nầy có một dãy nhà lá ước chừng ba chục căn, cất san sát bên nhau nối dài theo con rạch đi về hướng đông, mặt nhà hướng về con rạch tức là hướng bắc. Con rạch nầy chỉ rộng chừng 8 thước thôi, đã có một cây cầu ván vững chắc bắt ngang qua từ đồn NQ đến dãy nhà nầy. Rồi phía sau dãy nầy, lại có một dãy nhà nữa xây mặt hướng tây tức là hướng kinh xáng, dãy nầy tương đối khang trang hơn nhiều, mái lợp lá, tôle, ngói lẫn lộn, độ chừng bốn năm chục gian, đây chính là khu chợ búa của xã Ninh Quới. Một khi chúng tôi nắm vững địa hình xã Vĩnh Quới như thế đó, thì ông Trưởng đồn NQ cần chúng tôi đánh nơi đâu, chúng tôi sẽ đánh thật chính sát chỗ ông muốn. Chỗ đó : chính là xóm nhà lá bên kia con rạch, đối diện với cái đồn của ông. Ông cho biết luôn : đêm rồi vc về đây đông lắm, chúng cắm cờ MTGP ở giữa dãy nhà nầy còn bắt loa tuyên truyền : “Hãy ngưng bắn, hãy đối xử với nhau trong tình anh em cốt nhục, hãy cùng nhau xây dựng lại đất nước v.v…” Chiến sĩ trong đồn lập tức đáp trả bằng vài loạt đại liên M60 và vài chục quả M79. Chúng vội rút vào nhà dân rồi tiếp tục bắn phá suốt đêm.

              Gunship lấy trục đánh rocket từ tây sang đông, cao độ từ 900 bộ ‘dive’ (chúi) xuống chừng 700 bộ, đánh xong ‘Pass’ thứ nhất sẽ ‘break’ trái, để Galting Gun bên phải tiếp tục ăn có dài dài trên mục tiêu. Sở dĩ chúng tôi ‘dive’ với gốc độ thật ‘Shallow’(thật lài) là vì trên tàu chúng tôi còn có ông Tỉnh và ông Quận nữa. Quý vị có nghĩ là hai ông nầy là xạ thủ đại liên sáu nòng rất xuất sắc ngày hôm nay không ? Hai ổng mê bắn quá, xiết luôn hai cò súng cùng một lúc, bắn ra 4000 viên / một phút nên gây ra đám cháy lớn, thiêu rụi hết dãy nhà nầy. Cũng nên biết hiện giờ sắp đến Tết ta rồi, tức là mùa gió chướng nên lửa cháy lan rất nhanh. Tội cho dân chúng, từ trong nhà hốt hoảng chạy túa ra sân, vừa chạy vừa phất vẫy khăn trắng, áo thun trắng dường như đang van xin chúng tôi dừng ngay tác xạ, rồi họ chạy qua cầu, chạy thẳng vô đồn cầu cứu. Dĩ nhiên là khi thấy dân chúng hoảng hốt sợ hãi, vả lại chúng tôi chưa bị vc bắn trả, chúng tôi quyết định ngưng ngay tác xạ. Tàu tôi và chiếc Gun II lên cao 1500 bộ ‘orbit’ phía tây kinh xáng, rồi tôi gọi ngay ông Trung đội trưởng trong đồn :

               -Nghĩa Hiệp, đây Diều Hâu gọi (có tiếng…trả lời). Nghĩa Hiệp cho biết tình trạng ở dưới hiện giờ ra sao ? Dường như là vịt con (việt cộng) đã chém vè rồi phải không? Tôi thấy dân chúng túa ra ngoài nhiều lắm, rất khó cho chúng tôi phải tác xạ như thế nầy…

               -Đúng rồi đó Thẩm quyền (Tôi là thẩm quyền cái con m..gì ? Mấy ông bạn NQ thường hay gọi tâng bốc theo cái ngữ đó). Dân chúng mới vào đây báo cho chúng tôi hay : Vịt con đã chém vè theo con rạch chạy về hướng đông vào lúc sáng sớm rồi. Thẩm quyền có thể ‘Zoulou’ (về nghỉ) được rồi đó thẩm quyền. Rất cám ơn thẩm quyền đến giải cứu kịp thời.

              Đây chỉ là một vài chuyện trong số trăm chuyện Việt cộng bất tuân thủ lệnh ngưng bắn 27-01-1973 ngay từ những ngày đầu. Nói cho đúng là bọn chúng có coi Ủy ban Quốc tế Giám sát và Kiểm soát đình chiến Paris hay Ban Liên hợp Quân sự 4 Bên ra cái trò gì đâu.  Bên ta biết rõ chúng sẽ là như thế đó nên khi chúng xuất hiện ở đâu thì chiến sĩ ta đến đánh đuổi ngay. Rồi vài tuần sau đó, Quân đội Hoa Kỳ bắt đầu “Rút quân trong danh dự” cũng trong lúc nầy quân Bắc Việt cũng như bên ta cùng giảm bớt cường độ giao tranh, có lẽ đôi bên cảm thấy mệt mỏi nhiều rồi, tổn thất cũng lắm nên cần nghỉ ngơi đôi chút, cứ coi đây như là tuân thủ lệnh ngưng bắn. Duy chỉ có ông MTGP vẫn hung hăng con bọ xít, tiếp tục khuấy rối nhưng chỉ từ cấp tiểu đoàn trở xuống thôi. Công tâm nhận xét : Hoa Kỳ và đồng minh rút đi đã để lại một lỗ hỏng to tát cho tiền đồn chống cộng sản ở vùng Đông nam Á. Cái khó nối tiếp cho VNCH là HK cắt giảm quân viện quá nhiều  : từ 3 tỷ đô la mỗi năm xuống còn 2,2 tỷ cho tài khóa năm 1973, rồi xuống 1,1 tỷ cho năm 74, sau cùng chỉ còn là 700 triệu cho năm 75. Có một điều mà ai cũng biết : cho dù bất cứ quốc gia nào có phồn thịnh đến đâu đi nữa, đồng bạc cũng đều bị mất giá một vài phần trăm theo mỗi năm bởi do lạm phát, giả dụ : một dollar vào thập niên 60’ có thể mua được 5 gallons xăng hay 10 viên đạn súng M16, nhưng dollar đó ở thập niên 70’ chỉ mua được 2 hoặc 3 gallons xăng hay chừng 4 hay 5 viên đạn thôi. Đó là những điều đã làm cho quân ta suy yếu thấy rõ, trong khi đó khối cộng sản bao gồm Liên sô, Trung cộng cứ dồn dập viện trợ cho quân Bắc Việt, như có một tỷ lệ nghịch giữa hai quân viện cho 2 miền Bắc, Nam VN. Chưa kể quân số cộng sản Bắc Việt đông hơn phía VNCH gắp bội, vì sao ? Vì háo hức muốn cưởng chiếm miền nam sớm, chúng nhẫn tâm tận dụng cả trẻ em vị thành niên tuổi mới 14, 15 bằng cách đầu độc bởi những tuyên truyền láo phét, những thuốc kích thích và ngay cả nữ giới cũng bị chúng đẩy ra chiến trường, cho đó là “cứu cánh biện minh cho phương tiện” của chúng. Rồi đây chắc chắn chúng sẽ áp dụng chiến thuật thí quân (biển người) của Mao T. Đông trong việc đánh chiếm miền nam cho mà coi. Đây là một điều vô cùng thất nhân tâm mà các nước văn minh chưa bao giờ dám nghĩ tới, huống chi dám hành động như bọn chúng. Với những ưu thế đó thì ai cũng suy đoán quân cộng sản sẽ mở một cuộc tấn công đại quy mô vào miền Nam, tuy không rõ là lúc nào nhưng ngày đó chắc không xa…

                Quả đúng vậy, ngày đó là vào cuối tháng 12 năm 1974 cộng quân đã huy động có tới  3 sư đoàn, gồm 2 công trường 7 và 9, cộng thêm 2 trung đoàn của Sư đoàn 302 và một trung đoàn pháo, một trung đoàn phòng không đánh chiếm thị xã Phước Long (Ph/L) của QK III. Ph/L là một tỉnh nhỏ, nghèo nàn nằm phía cực tây-bắc của QK III, phía tây Ph/L tiếp giáp với Kampuchia. Dân chúng vùng nầy gồm một nửa là người Kinh, một nửa kia là người sắc tộc (Stieng và Mnong). Con đường từ Biên Hòa lên đây rất là mất an ninh nhất là đoạn từ Tân Uyên lên Đồng Xoài (Đôn Luân), rồi từ Đồng Xoài lên tới thị xã nầy. Chắc chúng ta chưa ai quên mặt trận Đồng Xoài năm 1965 ? Đây là một trong 4 mặt trận lớn nhất trong thập niên 1960’ đã đi vào Quân sử : Ấp Bắc 63, Đổ Xá 63, Bình Giả 64, Đồng Xoài 65. Nói chung đường bộ chỉ có người dân thường mới dám đi lại, chớ còn giới quân-cán-chính nếu cần di chuyển thì xin Sự vụ lệnh để đi nhờ phi cơ quân sự. Nói về lực lượng phòng thủ bên ta chỉ có ba, bốn tiểu đoàn ĐPQ cơ hữu, một đại đội Trinh sát tỉnh và một đại đội Cảnh sát Dã chiến. So với cộng quân thì quân số của ta chỉ chừng một phần mười của chúng mà thôi. Thành thử cái chuyện mất Ph/L không có gì phải kinh ngạc, nhưng câu hỏi đặt ra là quân cộng sản đánh chiếm Ph/L là với dụng ý gì ? Hầu như mọi người có cùng chung câu trả lời là : cộng quân muốn thăm dò phản ứng của HK ra làm sao ? HK có trở lại tham chiến như đã hăm he trước khi rút quân không ? Thế còn phía VNCH thì sao, chúng ta luôn dàn quân mỏng trong tư thế phòng thủ ở khắp 4 QK, hơn thế nữa là dồn hầu hết các lực lượng Tổng trừ bị như Dù, TQLC, BĐQ vào những điểm trọng yếu như phía bắc QK I, vùng tây nguyên của QK II. Vì vậy QK III chỉ còn Lữ đoàn 81 Biệt Cách Dù là lực lượng tổng trừ bị hiện tại mà thôi, cho nên TT Thiệu và Bộ TTM rất cân nhắc, suy tính thật kỹ và đặt nhiều hy vọng vào HK giữ lời hứa như đã cam kết : nếu cộng sản vô cớ tấn công miền nam thì HK sẽ oanh kích lại Hà Nội, sẽ hải pháo, sẽ rải mìn trên mặt biển phong tỏa hải cảng cũng như vịnh Bắc Việt, sẽ v.v…để cộng quân hoảng sợ mà rút quân về. Hãy xem HK có làm điều nầy được không ? Thử tìm hiểu chánh trị của họ lúc đó  

               Ông Gerald Ford được TT Nixon mời làm phó TT để thay thế cho ông phó của ông là Spiro Agnew vừa từ chức (resign) vì dính líu vấn đề tiền bạc (tham nhũng). Dĩ nhiên ông Ford đã được Quốc hội Thượng viện bỏ phiếu thuận rồi. Ông nầy chắc đẻ bọc điều hay sao mà may mắn quá chừng chừng : vì vài tháng sau đó nữa, Nixon chịu không nổi búa rìu dư luận trong vụ Watergate nên cũng ‘resigned’ (thoái vị) vào ngày 09 tháng 08 năm 74, tất nhiên là ông Ford sẽ lên làm Tổng Thống đúng như hiến pháp HK qui định. Chắc là muốn trả ơn cụ Nixon đã cho ông đến hai cái ‘Job’ quá ngon lành nên ông Ford ân xá cho Nixon để khỏi bị đàn hặc (impeached) bởi Quốc hội. Chuyện ân xá kiểu như vầy đã làm cho dân chúng HK bắt đầu chán ghét ông. Xin nhớ cho : ông Ford từng là Dân biểu QH, cũng có lần ông được người đồng đảng bầu lên làm trưởng khối thiểu số ở Hạ viện đấy, và có lần ông đã bỏ phiếu ‘thuận’ trong việc yêu cầu chánh phủ rút quân, nghĩa là trước tới nay ông không hề ủng hộ cuộc chiến VN. Điều đó còn rõ ràng hơn là ngày 23 tháng 04 năm 1975 ông tuyên bố thẳng thừng “Chiến tranh VN đã chấm dứt, ít nhất đối với HK ” tại đại học Tulane ở New Orleans, lời tuyên bố ấy đã được dân chúng HK nhiệt liệt hoan nghênh ủng hộ…

               Trận Phước Long đúng là một trận mở màn để thăm dò thôi. Đầu năm 1975 mới là lúc cộng quân mở 'chiến dịch mùa Xuân' vĩ đại để thôn tính miền Nam đây. Lần ra quân nầy cộng quân tính toán rất kỹ lưỡng, chúng sử dụng đến 23 sư đoàn chia làm 4 Binh Đoàn (BĐ), BĐ có nghĩa là quân đoàn của ta. Mỗi BĐ có 3 sư đoàn bộ binh nồng cốt, một SĐ phòng không, một SĐ pháo, một lữ đoàn kỵ binh thiết giáp gồm tăng T-54 và thiết xa PT-76 v.v…Tại QK I của ta, chúng sẽ tấn công bằng 2 BĐ : 1 và 2 còn có tên là BĐ Quyết Tiến và BĐ Hương Giang. Còn BĐ thứ 3 tên gọi BĐ Tây Nguyên được lệnh tấn công vùng tây nguyên của QK II. Riêng BĐ 4 thì gồm 3 công trường 5, 7, 9 tên nghe rất quen thuộc, sẽ đánh các tỉnh Bình Long, Tây Ninh, Xuân Lộc, Long An…

               Có lẽ số phận VNCH sắp tới ngày viên mãn bởi những yếu tố bất lợi như : viện trợ bị cắt giảm quá nhiều, xăng nhớt, đạn dược thật giới hạn, cơ phận thay thế cho tàu bay, tàu thủy, tàu bò rất thiếu hụt. Mỗi lần có dịp về TSN chúng ta chứng kiến hằng loạt vận tải cơ bị đình động, kiến chắn gió phía trước mũi được bao kín bằng giấy nhôm, phơi mình nằm chờ thời, ai trông thấy cảnh nầy sao tránh khỏi chạnh lòng ? Chuyện kế tiếp quân ta phải chiến đấu trong đơn độc, không còn được yểm trợ bởi những phi tuần Fantom, những hải pháo hoặc B-52 mưa bom nữa. Sau cùng quân ta vẫn xài những thứ mà HK để lại từ đầu năm 1972 đối đầu những vũ khí mới của Nga mà quân cộng sản đang sử dụng để trắc nghiệm. Giữa tháng ba 75 cộng quân đánh chiếm Ban Mê Thuột, TT Thiệu ra lệnh cho Th/tướng Ph.v.Phú, Tư lệnh QĐ II phải triệt thoái Tây nguyên, đưa quân về giữ vùng duyên hải. Có lẽ ông Thiệu và các Tướng Tổng tham mưu nghĩ rằng quân ta ít, không thể nào kiểm soát hết một vùng cao nguyên rộng lớn nên đành thu hẹp lãnh thổ lại để đủ sức phòng chống chăng ? Tướng Phú chọn lộ trình rút quân là Liên tỉnh lộ 7B từ Pleiku xuống Tuy Hòa đi ngang qua Hậu Bổn. Nhìn cảnh triệt thoái của QĐ II rồi nhớ lại chuyện xưa trong sách vở : cảnh Lưu Huyền Đức (Lưu Bị) dẫn bá tánh bôn tẩu từ thành Tương Dương xuống Giang Lăng, lúc nào cũng bị quân Tào Tháo ráo riết săn đuổi chém giết. Đôi bên còn giống nhau ở nhiều chỗ nữa : trăm họ của L.Bị vì mến mộ đấng minh quân mà họ bỏ nhà cửa, ruộng vườn tay dắt mẹ, tay bế con để theo L.Bị. Còn đồng bào ta ở vùng cao nguyên cũng thế, cũng vì yêu mến Chánh Nghĩa Quốc Gia đã để lại cơ ngơi sản nghiệp mà theo đoàn quân tìm về vùng đất Tự Do. Điểm tương đồng sau cùng là bá tánh của L.Bị bị tàn sát bởi cung tên giáo mác của quân Tào còn đoàn dân quân di tản của ta thì luôn nằm trong tầm pháo kích, tầm tác xạ của quân cộng sản, nhất là đoạn đường từ Hậu Bổn đến Phú Túc…Khi về tới Tuy Hòa, kiểm điểm lại thì dân quân ta bị thiệt hại quá nhiều, con số thương vong lên tới hàng vạn và quân chủ lực cũng như quân tổng trừ bị (ĐĐQ) của QĐ II đã hao hụt hay mất liên lạc hơn quá nửa…

               Tại Vùng I, đang lúc QĐ I đối đầu mất còn với hai Binh đoàn 1 và 2 của cộng sản vừa vượt biên giới tràn sang, thì TT Thiệu lại ra lệnh QĐ I phải gởi sư đoàn Dù và sư đoàn TQLC trả về SG, lấy lý do là cần bảo vệ Thủ đô ? Điều gì xảy ra khi hai đại đơn vị nầy rời khỏi đây, quân ta lâm vào cảnh vô cùng khốn đốn, cộng quân đoán biết điều đó nên ra sức tấn công thật kịch liệt, tiến quân nhanh như là chẻ tre, tét tàu lá dừa. Quân ta chỉ đáp trả yếu ớt rồi thối lui, rồi bỏ ngõ như những con cờ domino được dựng đứng cạnh nhau… Không mấy chốc quân cộng sản đã đánh tới Thừa Thiên, TT Thiệu ra lệnh bỏ Huế, bỏ Đà Nẵng mà hãy tiếp tục rút về phía nam, như vậy còn gì là QĐ I nữa chứ…

               Khi viết về những trận sau cùng của VNCH mà không nhắc mặt trận Ninh Thuận (Phan Rang) thì đó là một điều đắc tội với danh tướng Không Quân : Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, tư lệnh SĐ VI /KQ là vị tướng vừa chỉ huy trên không, vừa cả quân bộ chiến trong những ngày cuối cùng. Chuyện là vào trung tuần tháng ba 75, SĐ VI/KQ cũng giống như các đơn vị khác được lệnh triệt thoái khỏi Tây nguyên, Sư đoàn KQ nầy bay về Nha Trang tá túc với SĐ II/KQ. Được khoảng đâu một tuần lễ, rồi vào ngày 23/03/75 tướng Sang nhận lệnh từ Bộ TL/KQ là đem SĐ VI/KQ về đóng ở phi trường Phan Rang. Đây là một phi trường quá lớn cần phải có nhiều quân mới phòng thủ nổi. Vì vậy khi đến nơi Tướng Sang lo chuyện cắt đặt, chỉnh đốn việc phòng thủ là ưu tiên số một, ông rất được lòng dân chúng Ph/Rang vì dân ở đây họ tin rằng ông Thiệu sẽ không bỏ quê cha đất tổ, mồ mả tổ tiên của ông ấy đâu. Sau đó có vài tiểu đoàn Địa phương quân tình nguyện đem quân đóng bên trong phi trường nữa, cho nên việc phòng thủ trở nên khá vững chắc. Một tuần sau đó Tr/tướng T.v.Minh (TL/KQ), Tr/tướng N.v.Toàn (TL/ QĐ III) bay ra thăm, và hai ông ấy rất hài lòng. Tướng Toàn hứa là sẽ xin TT Thiệu, Đ/tướng Viên cho Ph/Rang sáp nhập vào QK III của ông. Và ông hứa tiếp sẽ đặt nơi đây một bộ chỉ huy tiền phương do Tr/tướng N.V.Nghi làm tư lệnh, rất có thể Tướng Sang sẽ là TLP. Ngày 04/04/75 Tướng Nghi đến đây, rồi lần lượt có thêm Lữ đoàn 2 Dù, 2 Tr/đoàn 4 và 5 thuộc Sư đoàn 2 của C/tướng Nhật và LĐ 31 BĐQ v.v…đến trình diện. Tướng Nghi cắt đặt, phối trí phương án phòng thủ của tuyến đầu quan trọng nầy, nói chung là rất khí thế, sẵn sàng nghênh địch. Hai ngày 15 và 16 tháng 04 cộng quân tập trung quân đến cả hơn hai sư đoàn, chúng xuyên qua mọi tuyến nút chặn của quân ta không phải khó khăn gì, rồi chúng tiến thẳng về phi trường, bắt đầu pháo kích thật dữ dội, liên tục không ngớt chừng hơn 45 phút, sau đó tổng tấn công vào. Cũng may tất cả phi cơ kịp thời cất cánh, di tản về Biên Hòa và TSN, còn lính bộ của ta thì rút về Cà Ná, trên đường đi Tướng Nghi và Tướng Sang bị chúng phục kích bắt được. (Phần nầy lấy ý chánh từ bài viết của C/Tướng Phạm Ngọc Sang).

               Sau khi phòng tuyến Phan Rang thất thủ thì QĐ III chỉ còn kỳ vọng vào phòng tuyến Xuân Lộc - Long Khánh do Sư đoàn 18 của Th/Tướng L.M.Đảo đảm trách. Đây là phòng tuyến sau cùng của SG nếu để mất tuyến nầy thì VNCH sẽ không còn có tên trên bản đồ Thế giới. Ý thức điều đó Tướng TL /QĐ III cho dồn hầu hết lực lượng vào đây như : ngoài quân số cơ hữu của SĐ 18, còn có thêm Tr/đoàn 8 của SĐ5 Bộ binh, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, Liên đoàn 7 BĐQ, Liên đoàn 81 Biệt cách dù, Lữ đoàn I Dù và 5,6 tiểu đoàn Địa phương quân thuộc tỉnh Long Khánh, tổng cộng chừng lối 15 ngàn quân được đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng Đảo. Tướng Đảo bèn bổ sung thêm quân cho ba trung đoàn của ông để mỗi trung đoàn nầy sẽ thành một Chiến đoàn hùng mạnh, rồi được bố trí như sau : Chiến đoàn (CĐ) 52 trấn tại ngã ba Dầu Giây đường lên Định Quán, CĐ 48 trấn ở núi Thị và CĐ 43 đống quân trong lòng thị xã Xuân Lộc cùng bộ Chỉ huy SĐ 18. Còn phía cộng quân, họ tấn công ta bằng Binh đoàn 4 tức là 3 sư đoàn Bộ binh nòng cốt : 5, 7, 6 đáng lý thì 5, 7, 9 mới phải, nhưng dường như SĐ 9 được cắt đặt khuấy rối vùng Long An, Bến Tranh mục đích là giữ chân QĐ IV của ta, nên SĐ 6 lên thay thế, ngoài các SĐ chủ lực nầy còn có 5, 7 Tr/đoàn chuyên môn như Tr/đoàn cao xạ, pháo binh, thiết giáp và một trung đoàn thuộc SĐ 325  v.v…quân số cộng quân ước khoảng 40 ngàn người, so với quân ta chúng đông gần gắp 3 lần. Khởi đầu trận chiến ác liệt nầy là vào ngày 9 tháng 04, cộng quân vẫn áp dụng những chiến lược cổ điển của chúng như : dương đông kích tây, tiền pháo hậu xung, công đồn đã viện v.v…có thể nói rằng chúng thành công ở chiến lược đầu, khi đã tạo nghi binh ở Tây Ninh để lừa quân ta dồn quân về nơi ấy nhưng thật ra chúng muốn đánh là Long Khánh cơ, nếu nói theo các nhà quân sự thì Tây Ninh chỉ là ‘diện’, còn Long Khánh mới là ‘điểm’. Chiến lược kế tiếp là chúng pháo kích một cách dồn dập dã man, gần cả giờ đồng hồ trước khi chúng xung phong vào. Nhưng chúng quên một điều là quân ta đến đây là để lập tuyến phòng thủ thì tất nhiên đã sẵn những hố cá nhân vững chắc, những công sự chiến đấu kiên cố, vậy thì chúng có pháo nhiều cỡ nào cũng không gây thiệt hại cho quân ta là bao nhiêu. Đến khi chúng tấn công vào, thì quân ta đẩy lui chúng một cách dễ dàng và bắn cháy rất nhiều xe tăng của chúng. Dù vậy chúng vẫn tiếp tục tấn công theo kiểu đó thêm 4, 5 ngày nữa, nhưng chưa lần nào thành công và có vẻ chúng bị tổn thất khá nặng bởi những phi tuần phản lực F-5, A-37 từ Biên Hòa và từ Bình Thủy Cần Thơ lên…Những chiến thắng đợt đầu nầy đã làm cho quân ta thêm khởi sắc, giữ vững niềm tin…

              Hãy biết sơ về Th/tướng Hoàng Cầm là người chỉ huy của quân cộng sản tại mặt trận nầy, hắn rất tức bực vì đã 5 ngày mà chưa làm ra cái trò trống gì cả, hắn liền đổi ngay chiến thuật. Việc trước tiên là hắn tái phối trí, thay vì tấn công cùng một lúc nhiều mặt thì phải dàn quân mỏng ra và kết quả không đem lại sự thành công mong muốn, nên hắn quyết định không tiến quân theo ba mũi dùi nữa, mà chỉ cần hai là đủ rồi. Ngày 15 tháng 04, Sư đoàn 7 của chúng được tách làm đôi, một nửa cùng SĐ 6 sẽ tấn công Chiến đoàn 52 của ta tại ngã ba Dầu Giây. Rồi một nửa kia hợp với SĐ 341 tiến đánh CĐ 43 bên trong thị xã Xuân Lộc. Đây là những yếu điểm rất quan trọng của quân ta, đồng thời hắn ra lệnh cho Tr/đoàn pháo 130 ly tức tốc di chuyển nhanh tới Biên Hòa rồi pháo dập nát sân bay nầy đi. Tất nhiên là tất cả phi cơ của ta phải di dời về TSN hoặc xuống phi trường Bình Thủy Cần Thơ. Sau hai ngày kịch chiến, hai phòng tuyến của CĐ 52 và CĐ 43 bị xuyên thủng. Ngày 18 tháng 04 Tướng Toàn ra lệnh cho tất cả quân đang tham chiến ở Long Khánh phải lần lượt rút về bảo vệ Thủ đô. Toán quân của Lữ đoàn I Dù là đơn vị triệt thoái sau cùng, họ theo đường rừng rút về Phước Tuy vào ngày 21 tháng 04...thì cũng coi đây là đánh dấu ngày tuyến Xuân lộc bị thất thủ sau 12 ngày cầm cự.

               Cũng trong ngày nầy còn có hai sự việc lớn xảy ra, đáng ghi nhớ nữa. Thứ nhất : Đợi đến khi Lữ đoàn I Dù rút ra an toàn, thì từ TSN có ba vận tải cơ C-130 (Hercules) mang các loại bom lớn có sức công phá khủng khiếp như : BLU-82 nặng 15 ngàn cân Anh và bom ‘Nhiệt Áp’ CBU-55 bay lên Long Khánh trút xuống đầu mấy sư đoàn quân cộng sản còn đang ở nơi đó. Tầm sát hại của các bom nầy ra sao thì thiếu kiểm chứng, không ai biết chính xác nhưng qua những dữ kiện như : tối đêm nầy đài phát thanh Hà Nội sang sảng tố cáo bọn “Mỹ Ngụy” đã dùng ‘vũ khí sinh học’ trái quy ước chiến tranh, còn đài Bắc Kinh cũng tiếp hơi, tố giác Mỹ dùng ‘vũ khí giết người hàng loạt’ tại chiến trường Xuân Lộc, Long Khánh v.v… Còn thêm một dữ kiện nữa chứng minh chúng bị thiệt hại nặng, đó là đoạn đường từ Long Khánh về Sài Gòn chỉ có 60 dậm (miles) thôi, vậy mà chúng tiến quân mất gần cả tuần lễ… Sự việc lớn thứ hai : cũng đêm nầy (21/04/75) TT Thiệu từ chức : “ Kể từ đây đồng bào sẽ còn có TT Thiệu nữa, nhưng Quân đội có thêm một Tr/tướng Thiệu”.

               Chiếu theo hiến pháp VNCH thì cụ Hương được lên làm TT. Tình hình thủ đô bấy giờ vô cùng nghiêm trọng, cộng quân bắn tiếng là chỉ muốn nói chuyện với ông Đ/Tướng ‘Big Minh’ thôi, ngoài ông nầy ra họ không chịu nói chuyện với bất cứ ai. Mấy cụ Thượng (nghị sĩ) nghe vậy thì tìm cách năn nỉ cũng có, và áp lực cũng có luôn, là muốn cụ Hương nên trao quyền lại cho ông Minh. Cuối cùng lễ bàn giao diễn ra tại tòa nhà Lập pháp Thượng viện vào chiều ngày 28 tháng Tư.

              Sau khi nhận lãnh chức vụ mới, TT Minh đã nhiều lần cho người của mình vào trại David trong TSN để tiếp xúc với phái đoàn MTGPMN đóng ở đây, nhưng họ luôn từ chối gặp mặt đám người mình. Sau cùng TT Minh gọi nói chuyện trực tiếp với họ thì được họ trả lời : “ Bên ông đã thua rồi, không còn chuyện gì để nói cả. Chỉ còn mỗi một việc là ông tuyên bố giải giới đầu hàng đi, để tránh cảnh đổ máu cho dân chúng Thủ đô ”. Nghĩ lại mà tội nghiệp cho người dân SG khi ấy, họ đã trải qua 2 cái đêm 28 và 29 tháng 04 thật kinh hoàng vì bị cộng quân pháo kích một cách bừa bãi, có rất nhiều hỏa tiễn 122 ly rớt vào những vùng ven đô. Nên biết trong khoảng thời gian nầy dân số Thủ đô có trên năm triệu người, sở dĩ tăng nhanh như vậy là do dân di tản từ miền Trung vào, cũng như dân các tỉnh miền Đông kéo đến lánh nạn. Không khí thật là ngột ngạt dễ sợ y như đang ở trong lò thuốc súng, tất cả mọi người luôn sống trong cảnh hồi hộp, sợ hãi, lo âu…Sáng sớm ngày 30, người ta thấy hàng loạt tăng T-54 từ xa lộ Biên Hòa và từ quốc lộ 13 rầm rộ tiến về thủ đô…

               Không thể trách cứ ông Minh được, vì tình huống đã như vậy rồi thì cho dù ai, cũng phải hành xử như ông ấy thôi. Lịch sử sang trang, chỉ thương hàng vạn chiến binh Cộng Hòa mắt đỏ hoe, răng cắn chặc vào nhau như cố nuốt vào lòng hằng bao thương đau, oán hờn và tủi hận, tự hỏi vì sao phải buông bỏ vũ khí, ôi chao phũ phàng và nghiệt ngã đến thế ư !!!...lúc đó là sau 10:30 sáng, ngày 30 tháng 04 năm 1975.        HẾT.

  

Kỷ niệm Quốc Hận lần thứ  44.

Cũng là bài viết sau cùng của tôi với thể loại nầy. 

Sét Thần / Diều Hâu : Nguyên Quân thân chào.           

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME